
Kimberly Rubio tạm biệt con gái 10 tuổi với lời hẹn như mọi khi, rằng bố mẹ sẽ đón con khi tan trường nhé, nhưng rồi cô bé ra đi mãi mãi. Cô bé là một trong 21 nạn nhân của cuộc xả súng vào trường học ở Texas hôm qua. Nhiều người mỉa mai, Covid dần đi qua, nước Mỹ đã trở lại.
Sự kiện ở Texas là vụ xả súng thứ 27 từ đầu năm 2022, nghĩa là cứ trung bình 5 ngày đâu đó trên nước Mỹ có một trường học thành mục tiêu (thống kê ngoài trường học còn nhiều hơn nữa). Cũng tại Mỹ, theo NPR, súng trở thành nguyên nhân lớn nhất gây tử vong cho trẻ em, nhiều hơn tai nạn xe hơi từ năm 2020.
Chính phủ có phe nỗ lực thêm luật ràng buộc kiểm soát, cũng có phe cho rằng đây là cơ hội để chúng ta “stepped-up security at schools”, tăng cường an ninh ở trường bằng cách trang bị súng cho giáo viên. Công nhận, nước Mỹ có những ý tưởng làm mình kinh ngạc đến phát khóc.
Bên ấy còn cho rằng đây không phải tại súng mà vì tình hình tâm lý tâm thần của con người không ổn định. Dán cho những labels mới lập lờ không sai không đúng không đủ, cố ý đẩy đưa gây chia rẽ và bảo vệ lợi ích nhóm, cũng là một nước Mỹ làm mình kinh ngạc.
Thủ phạm chỉ mới mười tám tuổi, sống với bà 66 tuổi tại cùng khu đó. Cậu bé mười tám tuổi dường như luôn ở một mình ít bạn bè, theo lời cô bé mười lăm tuổi tại Đức mà cậu trò chuyện hàng ngày trên mạng cho biết. Cậu bé mười tám muốn đi thăm cô bé ở Châu Âu, và cũng cậu bé ấy lập kế hoạch, báo từng bước hoàn thành với cô bé qua tin nhắn (cô bé ấy chắc vẫn đang kinh sợ). Cậu bé mười tám đã được phép ra cửa hàng mua vũ khí. Cậu bé mười tám đã bắn bà của mình trước khi thực hiện kế hoạch ở trường học.
Có quá nhiều câu hỏi, nỗi đau, sự giận dữ và khoảng trống trong câu chuyện ngắn trên.
Tiếng Anh có từ “heartbreak”, quả thực là như vậy, đọc những gì quanh sự kiện này, trái tim mình muốn bể nát ra. Không còn hỏi tại sao, mình chỉ nghĩ đến những đứa trẻ ra đi trong sự kinh hoàng, những chấn thương cho người còn sống vẫn tiếp tục.
Sẽ có những đứa trẻ lớn lên với súng luôn bên mình vì sợ hãi phòng thủ, có những đứa trẻ không ngủ được khi nghe tiếng động, có những đứa trẻ không bao giờ dám đến trường, có những đứa trẻ không bao giờ dám kết bạn vì không chịu nổi cảm giác đứa bạn thân của mình đã mất…
Mình tự hỏi sẽ tha thứ cho loài mình bằng cách nào đây? Ừ, cậu bé ấy, có lẽ sống trong những trăn trở cô độc quá lâu mà không biết đổ đi đâu… Cậu bé từng giết mèo để khoe, lái xe ban đêm lòng vòng với súng BB chỉa vào người khác, hay bị bạn bè trêu chọc. Một đứa trẻ lớn lên với ước muốn được nhìn thấy, dù với sự sợ hãi, dù với sự xa lánh, phải chăng là sự sợ hãi cô độc đáng thương và khao khát kết nối bất chấp của loài?
Lớn lên là một quá trình khó khăn. Cậu bé đó đã chọn cách thật đau lòng để khám phá, để giải quyết, để chứng tỏ, để được biết đến, để hiện diện.
“Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, nhưng “cái làng” hiện nay không còn là cụm người sau lũy tre mà mở ra những biên giới mới mênh mông, những cái-làng-lớn khó kiểm soát, chứa đựng nhiều vấn đề và sự khác biệt, là cơ hội lớn cũng là sự chông chênh lớn, đứa trẻ “trong làng” vì vậy cũng lắm hoang mang.
Thế thì lại phải quay lại, không thể kiểm soát được cái-làng-lớn, chỉ những người thân cận mới có cơ hội trao truyền cho đứa trẻ những giá trị mà đi làng nào cũng vững, mà sống hết đời mình không chộn rộn trống rỗng.
Mình đã từng trách nếu người lớn abc thì xyz đã không xảy ra, nhưng nhìn thiệt kỹ, hầu như tất cả chúng ta đều đang là đứa-trẻ-trong-làng mà thôi.
Nguyện mong đau khổ đủ duyên chuyển hóa thành năng lượng hiểu biết và yêu thương, để những gì tiếp nối không phải là sự tiếc nuối và đớn đau hơn nữa.
Phiên Nghiên
CA, 5.2022