
Làm sao để chung sống với người (có vẻ) luôn làm đau mình, khi không thể rời đi?
Bạn hỏi câu này vào ngày mình ra rạp xem phim Everything Everywhere All At Once lần thứ hai. Xem xong mở điện thoại thì thấy chữ bạn gởi, mình đóng tin nhắn lại và đi bộ về nhà. Tụi mình trái múi giờ, mình hy vọng khi đó bạn đã ngủ.
Mình chỉ biết biên vài chữ tự đáy lòng chia sẻ nỗi niềm và hoàn cảnh hiện tại của bạn. Thực sự không thể có một lời nào cụ thể khi những gì biết về bạn quá ít: vài trang trong Cùng Viết Mỗi Ngày hàng tháng, vài điều bạn share trên Facebook, vài chữ bạn đã để lại cho mình lúc tuyệt vọng, nhưng có một điều mình biết rõ là đôi mắt bạn luôn đựng nhiều nỗi buồn. Mình đã từng nhìn vào đôi mắt đó và thấy trùng trùng nỗi buồn, hốt hoảng, ngây thơ, cầu cứu, tin tưởng, sợ hãi… tất cả dâng lên không giấu.
Mình tự hỏi Người chung sống và làm đau bạn có khoảnh khắc nào nhìn thấy nỗi buồn mênh mông trong mắt bạn hay không? Rồi mình cũng tự trả lời, chắc chắn là có.
Con người rất đặc biệt khi có thể nhận ra một chi tiết làm bằng hiệu ứng 3D trong bức ảnh chụp thật, có thể cảm thấy được một ai đó đang giả tạo cười đùa và bối rối, và có thể cảm thấy được nỗi buồn len đi trong không khí khi bên cạnh người thương, thậm chí khi chưa kịp nhìn vào mắt. Thành ra mình tin rằng người ấy có lúc đã nhìn thấy nỗi buồn, sự tuyệt vọng không che giấu nổi của bạn. Họ đã cảm thấy gì?
Đôi khi sự bất lực gây ra bạo lực.
Đôi khi sự thương yêu kèm ego và không biết cách bày tỏ gây ra thù hận.
Đôi khi sự bảo vệ kèm với bản năng gây ra thứ quyền hành đau đớn.
.
Trong bộ phim mình mới xem lần hai, nhân vật của Dương Tử Quỳnh là một bà mẹ luôn ở vị trí “fighter” và hầu như luôn thất bại, vì thẳm sâu cô ấy luôn căng người hứng chịu trận chấn thương bị bỏ rơi và cảm thấy mình không xứng đáng. Vết thương không được nhìn nhận vô tình trao truyền cho đứa con gái của cô (“transgenerational trauma”). Thế là… mọi sự diễn ra. Chỉ đến khi người mẹ nhìn lại chính mình, giãn nắm tay, buông đứa con với sự chấp nhận và tình thương vô điều kiện thì quá trình chữa lành mới được bắt đầu.
.
Hôm livestream trong group mình cũng có nhắc về chấn thương sâu sắc phải bao gồm (1) sự kiện gây tổn thương và (2) cách mình nghĩ / hành động / nuôi nấng mình trong sự kiện ấy. Điều này giải thích cho việc có những người dù ở trong cùng một sự kiện nhưng mức độ tổn thương và chữa lành diễn ra khác nhau. Vậy nếu bạn dường như không thể thay đổi sự kiện gây tổn thương thì phải nghiêm túc học cách thay đổi mối quan hệ của mình với sự kiện để mình hiểu và chữa lành cho mình.
Có một cách hay là mình phải tin và thực tập lòng từ bi cho chính mình (self-compassion).
Mình mềm mại với mình, biết cách ủi an mình và tìm những nguồn tài nguyên giúp đỡ về mặt tinh thần (như người nhà, bạn bè, therapist, người mình tin cậy, một người thầy…) Họ có thể không ở trong không gian vật lý với mình nhưng mỗi lần nghĩ tới họ, mình như được tiếp thêm sức mạnh.
Mình mềm mại với người, thử bỏ qua những lời dao đâm và “lặng nhìn mà không nói năng”, thử quan sát người gây ra tổn thương như một người có những ức chế / tổn thương riêng, những thứ mà đưa họ đến các hành động này, thử xem mình có thể chia sẻ gì với họ không, dù chỉ là từ trong ánh mắt.
Mình cũng cứng rắn nữa, vì thực tập lòng từ bi không phải là yếu đuối, bởi người biết thương mình cũng sẽ biết tự vẽ ra những ranh giới để bảo vệ mình. Lời người nói tuy đau nhưng đâu đúng với lòng mình thì mình không giữ trong dạ. Yêu cầu của người xâm phạm vào vùng riêng tư thì mình tập từ chối, tập nói không. Sự kiên định cứng rắn này là cần thiết để người khác hiểu rằng mình tôn trọng họ, mình có nỗ lực chung sống và mình cũng tôn trọng mình.
Hãy kiên nhẫn và đừng hy vọng (ừa, hãy tin!). Cứ từng bước đi trong sự thương mình trước hết, thoát khỏi những cái bẫy về lòng tự trọng, sự xấu hổ, những label xã hội ráng dán cho mình bao năm qua.
Sự mềm mại và cứng rắn cùng một lúc trong thực tập tự thương mình trong tỉnh thức (“strong back soft front”) sẽ giúp mình nhúc nhích và mở rộng hơn. Mình lớn hơn thì mới dung chứa được, phải không?
.
Nhưng nếu mà đau quá không thể tha thứ nổi, hãy tạm nghỉ vì nỗi đau cần được nhìn thấy và san sẻ. Hãy quay lại những nguồn lực, và tìm cách mềm mại thương mình. Như cách bạn đã nhắn cho mình một cái tin, và mình thực sự chia sẻ niềm đau với bạn trong khoảnh khắc tột cùng đó.
.
Người chồng trong phim Everything Everywhere All At Once có nói rằng, anh chọn Kindness là cách để đi trong đời, làm mình nhớ cụm “Bodhisattva Warrior” (tạm dịch “Chiến Binh Bồ Tát”) của cô Pema Chodron. Ừa, chúng ta có thể chọn “chiến đấu” bằng lòng từ, đặc biệt là khi chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới nữa, hãy chọn lòng thương, chọn sự tử tế, mà bắt đầu gốc rễ nguyên bản chính là lòng thương với chính mình.
.
Một người cầm vào ly nước quá nóng sẽ vô thức buông tay để tự bảo vệ. Nếu không thể hoặc buộc phải chọn ôm lấy nó, hãy chọn tỉnh thức cảm nhận toàn bộ sự bỏng rát phồng rộp của mình và của người mà mình sẽ trao lại cái ly đó.
Đây là một hành trình khó nhưng đầy trải nghiệm rất con người. Chính mình cũng từng bước dò dẫm đi lúc sáng lúc tối, nên bạn cho phép mình đồng hành một đoạn bằng mấy chữ ở trên nghen.
Nguyện mong bạn thương mình và thương người một cách mềm mại và cứng rắn.
Nguyện mong duyên này đưa bạn đến những khai mở mênh mông.
Nguyện mong bạn có đủ nguồn lực để nương tựa và được nâng đỡ.
Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc.
Phiên Nghiên
CA, 4.2022
Dạ em cảm ơn bài viết này của Chị Phiên Nghiên nhiều. Em đọc lần đầu tiên vào Tháng 4. Đây là lần thứ 2 e đọc lại sau khi xem EEAAO ở rạp tối qua. Tiêu đề bài viết cũng chính là câu hỏi, là bài học e đang tìm cách học trong thời gian này. Em tự hỏi liệu e sẽ đón nhận những tổn thương, sẽ chung sống cùng người như thế nào đây. Em đã có những lựa chọn, những hành động “nhẹ nhàng” nhất. Nhưng hình như để mối quan hệ này nó chuyển biến thì cần rất nhiều sự nhẫn nại, thấu hiểu, yêu thương c à. Đôi lúc e k biết những điều em đã làm là tốt hay chưa, đã cố gắng đủ nhiều, đã hạ ego xuống hết chưa 😔. Trong EEAAO có đoạn đối thoại của Joy và Evelyn về việc tại sao Eve có khả năng nhìn thấy tất cả mọi thứ, có khả năng đưa ra lựa chọn ở vũ trụ nào đó mà con gái mình giỏi giang hơn, chọn một hoàn cảnh tốt hơn. Nhưng Eve lại chọn ở lại đây “I will always want to be here with you”. E thực sự cảm nhận đc chút gì đấy về vấn đề của mình. Hoàn cảnh của em, gia đình của em – vốn là những điều e đâu rời đi được. Bài học của chính em ở đây mà. Rồi đọc lại bài viết của Chị ❤️. Em biết hành trình của bài học này sẽ thật dài và cũng còn nhiều người khác đang học cùng em. Cảm ơn chị vì những con chữ đã đồng hành, đã an ủi và mở hướng cho em trong bài học này.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cảm ơn em đã để lại comment này để chị biết rằng (tụi) mình không đơn độc! Cảm ơn em đã kiên nhẫn với chính mình và con đường mình đang đi. Mong rằng chị có thể truyền thiệt nhiều năng lượng đến em qua con chữ <3 Thương mến, Phiên.
ThíchĐã thích bởi 1 người