


Thật là một kỳ tích khi luật sư Trần Hữu Nam đã tìm ra quyển nhật ký những năm tháng đau thương của chị Dạ Thảo Phương từ bộ hồ sơ lưu 20 năm trước. Những con chữ chân thật rách dạ rách tim.
Hồi đó mình chuyên lục thơ để đọc nên đã va vào chị Dạ Thảo Phương. Cảm giác của mình khi ấy về tác giả qua thơ là một người trẻ dữ dội, tình cảm, gai góc, và có chút gì đắng chát. Bẵng đi nhiều năm không còn lê người bên những tờ báo giấy và cũng quên mất chữ của chị, thì vụ việc gần đây làm mình nhớ lại mấy vần thơ cũ chị viết:
“nàng là con bê đau
cứ thấy bóng chiều – tưởng mẹ
cứ thấy khói bếp – tưởng mẹ
cứ nghe tiếng nước chảy – tưởng mẹ
chạy đến một giữa trưa tự biến mình thành một đồng cỏ
dâng lên trong cái nhìn man rợ của chúng tôi”
Tất nhiên chị có những chữ nhẹ nhàng như “năm chiếc lá”, nhưng những chữ quá dữ dội này đã nằm lại đâu đó trong tâm thức của mình. Mình đã tự hỏi một nhà văn một nhà thơ lấy những dữ dội này từ đâu ra? Mình đã tự hỏi chị chắt lọc của ai những nỗi buồn này?
Bây giờ mình mới hay, chị tước những sợi gai từ nỗi đau riêng và dệt nó thành thơ, ngập đầy trang giấy. Câu chuyện vừa ngụy trang bên dưới chữ, vừa thẳng thừng hiển lộ. Qua thơ, chị đã âm thầm và trần trụi ghi lại những bất lực, đau đớn của mình.
Nhưng thơ thì khó làm vật chứng, bởi mỗi người cảm một kiểu, bởi chữ trong thơ vừa chứa nhiều sức nặng vừa nhẹ như lông hồng. May mắn sao khi quyển nhật ký này đã được tìm thấy.
Mình trộm nghĩ có lẽ lúc đó chị nào biết Expressive Writing, chỉ đơn giản là đi theo chỉ dẫn từ trong trái tim của một người viết, rằng đau quá cô độc quá thì viết ra, không với niềm hy vọng hết đau mà chỉ ghi nhận nó và giữ cho riêng mình.
Ừ, chị đã viết cho riêng mình mà không hề nghĩ tới việc hơn 20 năm sau sẽ nhiều người đọc nó đến thế, và đau cùng chị đến thế.
Những dòng trong nhật ký là những dòng chị viết cho đứa con đã mất vì phá thai sau vụ việc đau lòng. Tuổi 25 của chị ngập trong nỗi đau thể xác và tinh thần, có quyển sổ làm chứng.
“Mẹ cảm thấy sự bất lực ứ lên cổ, lên mắt, sao thân xác mẹ lại yếu ớt đến vậy, vô dụng đến vậy. Mẹ thấy mình sao mà đơn độc, rét mướt, côi cút tả tơi lắm vậy. Không một ai chở che, bảo vệ, thương ơ xót hờ cũng không. Ngay cả con cũng giày vò mẹ không ngớt. Mẹ. mệt, mẹ tủi lắm, mẹ tủi thân lắm lắm, lắm lắm.”
Thật sự khi đọc đến những chữ trên thì trái tim mình thắt chặt. Nó làm mình nhớ đến những lần chia sẻ sợ sệt và đầy nước mắt của bạn trong lớp Viết, rằng bạn bị xâm hại bởi người nhà, người quen, rằng từ đó bạn tủi thân và căm ghét cơ thể của mình, rằng từ đó bạn cảm giác như cả thế giới không một ai cần bạn bởi sự nhơ nhớp này…
Mình đã chỉ có thể lắng nghe và ôm bạn thật lâu.
Mình biết, để lên tiếng tố cáo kẻ xâm hại thì nạn nhân cần rất nhiều can đảm và đánh đổi. Đôi khi không phải cần một lời xin lỗi (đã muộn) hay một sự đền bù (không thể bù), chỉ là thẳm sâu thèm được sống hồn nhiên, thèm được ôm ấp trong sự tin thương của con người với nhau thêm một lần nữa – thứ đã rớt mất trong chấn thương kinh hoàng kia và buộc nạn nhân phải lê đi trong đêm tối cô độc và ám ảnh.
Trauma không chỉ là thứ ở thì quá khứ bởi nó không hề kết thúc trong quá khứ. Trauma hiện diện trong hiện tại. Nếu không được nhìn nhận và chuyển hóa thì chấn thương đó ảnh hưởng vi tế lên từng quyết định, cảm xúc trong đời sống hiện tại của mình.
Chị đã rất can đảm, khối đen độc đó đã được biến thoát và dần chuyển hóa.
Thương mong chị vững vàng trong từng bước đi và giải thoát chính mình, thả trôi những dơ bẩn đeo mang bao năm qua. Chị không cô độc. Có nhiều người đứng bên chị, dõi theo chị. Chị đã sống tiếp thật mạnh mẽ và đang ở trong nhiều tin thương của đồng loại.
Thương mong chị đạt được nguyện ước – “Một lần cất tiếng, để siêu thoát…”
Phiên Nghiên
CA, 4.2022