
Ngày ông về với Đất Mẹ, những cánh đồng ngậm sữa thơm ngát ngút chân trời Chín Khúc. Núi chạm núi. Mây ôm mây. Bao quanh chân núi là ngàn ngôi mộ hàng hàng dãy dãy. Chùa Suối Đổ nhìn xuống bao dung lặng im.
Ngày ông về với Đất Mẹ, trời cao vòi vọi, mây bỗng kết vòm cổng hào quang rọi sáng. Vừa trả ông cho đất thì mưa nhẹ rơi. Gió lên. Những hàng cây bất động rũ đầu như chào đón, rồi xôn xao dần vẫy lá làm quen. “Ông đã về đấy ư?”
Ở nhà, bà vẫn gọi, “Ông đi rồi sao ông ơi?”
Dù có chuẩn bị chu đáo và thấu biết cỡ nào, sự ra đi của người thương vẫn để lại khoảng trống bàng hoàng.
.
Người ta học cách dần chấp nhận trong việc dọn đi một không gian sinh hoạt đã quen thuộc, trong việc trò chuyện với chiếc ảnh nghiêm nghị nơi bàn thờ, trong việc mỗi ngày dâng ba chén cơm như thời còn sống, hay ngó nhau trong những mối liên hệ còn lại: con chó Vàng của ông, cái ghế của ông, cuốn sổ tiết kiệm của ông, bộ đồ nghề hớt tóc của ông, mấy chiếc bằng khen của ông…
.
Chúng ta thường chỉ đủ sức nghĩ về chặng đường mình, và kể cũng không có chút khái niệm nào để nghĩ về chặng đường của người ra đi. Có lẽ ông đã hết đau đớn, đã gặp lại đồng đội trên chiến trường xưa, đã đi mây về gió gặp các đồng chí cấp cao ngày ấy, hay được chuyện trò cùng những hương linh khác…
.
Sự đi-về phải chăng là một khái niệm nhỏ nhoi trong kiếp sống nhỏ nhoi này? Chúng ta bận rộn, tăm tối và bé nhỏ, nào có thể nhìn thấy hết đời nhau, huống chi là kiếp này chồng lên kiếp khác, trùng trùng điệp điệp duyên khởi duyên tan.
Có lẽ mọi sự lễ dâng ta làm một phần vì tình thương, vì an-tâm-phải-thế, vì sự chuẩn bị cho người đi trong mơ hồ kiến thức, vì sự an ủi cho cảm xúc, nỗi sợ của chính ta, và vì sự hy vọng cho chính ta một ngày nào đó nữa.
.
Cái chết của một người, dù lạ hay quen, đều là lời nhắc về sự vô thường.
Những cánh hoa rải theo xe rồng tung trong gió và nát dưới mặt đường là lời nhắc về sự vô thường.
Những ngọn nến chảy bám cứng vào mặt gỗ là lời nhắc về sự vô thường.
Những nắm cát vừa bóp chặt đã tuột theo kẽ tay đặt theo người dưới mộ là lời nhắc về sự vô thường.
Là lời nhắc, kỳ diệu thay là cái chết.
Người ta không thể sống cho trọn nếu không ý thức được về cái chết của chính mình. Sự ra đi của những người xung quanh để lại những dấu hỏi lớn, những hố sâu thẳm như ba cái huyệt đất đào sẵn, im lặng chờ đợi, đến khi người ta dám ngồi xuống xem xét và đối diện thì may ra mới có một cuộc làm hòa với hạnh phúc, với đớn đau, với những mâu thuẫn của mỗi ngày được sống.
Mãi mãi, chúng ta sẽ đau đáu về hai câu hỏi lớn, rằng mình từ đâu tới, và mình sẽ đi đâu?
.
“Chúng ta được đưa vào một thế giới kỳ diệu, ta gặp nhau, chào nhau, và lang thang cùng nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Rồi chúng ta mất nhau và tan biến cũng bất chợt và vô lý y như khi ta đến.”(*)
.
Nguyện cho cuộc trở về của ông được theo ánh đạo vàng mà nhập vào Ý Thức Lớn.
Nguyện cho người ở lại được trọn vẹn từng ngày sống và nhớ rằng mình là một phần của Ý Thức Lớn.
Nguyện cho mỗi chúng ta có được bình an trong bất cứ hành trình nào đang đi.
Phiên Nghiên
VN, 3.2022
—
(*) chữ của Jostein Gaarder