Trú trong nỗi bất an

Người ta thường nghĩ tới “an trú” với kiểu ảnh ngồi bên cạnh tách trà, kế một vườn hoa bung nở, ở đâu đó chặng đèo nhìn xuống biển xa xa trên đường du lịch (hashtag “anyen”)… Nói chung là vui vui, là lặng lặng, là êm êm, là mây mây… nhưng ngạc nhiên là nếu ngồi xuống viết ra tới tận cùng thì chủ đề này toàn đem tới hình ảnh ngược lại.

Tụi mình đã nói chuyện một chút về chữ “trú” trong buổi trò chuyện trên Zoom hôm qua. Tụi mình cũng đã dành một chút thời gian để viết về “an trú”. “Trú” là “ở”, “an” là “yên”, nhưng khi viết về “an trú” thì trang viết dường như đi lạc. Trong 40 người tham gia cuộc viết chung “An Trú Ở Đâu?” lần rồi cũng vậy, tụi mình thường nhắc tới một nỗi khổ đau nào đó rất dài trước khi khái niệm “an trú” rón rén xuất hiện.

40 người viết – 40 hoàn cảnh khác nhau hiện lên trên trang viết, người thì bị bệnh, người thì mất đi người thương, người thì mất việc, người thì thất tình… Có lẽ những lúc chông chênh mất mát như vậy mới giật mình thấy cô đơn cùng tận, thấy xót xa, rồi mới loay hoay tự hỏi có thể an trú ở đâu đây?

Có một bạn đã viết thật chân thành, rằng bạn an trú trong chính “nơi mình đau khổ nhất”.

Thật ra đây là thứ mình cần phải học: ở trong cái khổ, hoặc nói rõ hơn là kỹ năng nhận diện và đối diện với cái khổ, với cái bất như ý. Mình có thể rất dễ thương trong hoàn cảnh hiền hòa, nhưng khi mình ở trong sự sợ hãi, trong sự tức giận, trong sự ghen tỵ, trong nỗi buồn… thì mình làm sao?

Nếu lớn lên với những lời khuyến khích hờ hững kiểu như “Vui lên đi!”, “Đừng buồn nữa” thì mình cũng vô tình thiết lập thói quen tránh né nỗi buồn. Mình không dám nhìn thẳng vào thứ làm cho mình khổ. Mình cho rằng khổ không cần thiết. Mình cho rằng mình đi đường vòng mình lơ nó thì nó tự động biến mất. Vài thứ biến mất thật, nhưng vài thứ thì cứ lớn thêm lên và lẽo đẽo đi theo.

Để ý mà coi, lúc khỏe mạnh người ta sẽ ăn chơi lút cán không thèm nghĩ tới lúc bệnh đau vì bộ não có chức năng làm lơ chuyện đó (điều này tương tự với cái chết, người ta nghĩ nó sẽ không xảy ra với mình, dù sự thật là ai cũng chết). Vậy nên trong trăm người thực tập Freewriting nào có mấy người đang vui đang hạnh phúc mà hăm hở xách tập vở tới chơi với Phiên đâu. Nhưng Phiên thấy may mắn là bạn chịu lên tiếng đi cùng Phiên lúc đó, bởi đôi khi tập đối diện với cái khổ của mình là một thực tập quá khó và cần được nâng đỡ. Việc bạn chịu lên tiếng đã là một bước tiến trong hành trình đối diện với nỗi khổ niềm đau rồi, đó là lúc bạn chịu thừa nhận là mình có buồn, có đau, là lúc hạ ego xuống và thừa nhận là mình cần được giúp.

Bởi, mình phải thiệt tình cảm ơn cái đau, cảm ơn cái khổ, vì có nó mà giác quan mình sắc bén hơn (nên nhiều người quay sang nghiện khổ vì thấy cuộc sống “đậm” hơn), vì có nó mà những câu hỏi bị quên đi đã được đào xới, vì có nó mà mình chịu thực tập chậm lại nhìn mình để hiểu mình.

Học cách trú trong nỗi bất an chính là con đường duy nhất để đi qua nỗi đau, vì nỗi đau cũng như mình, cũng cần được nhận diện, được hiểu, được nâng đỡ. Nhưng mình phải nhớ mình không phải là nỗi đau, mình chính là người nâng đỡ cho nỗi đau của mình được an, được thấy, được hiểu.

Nếu chưa thể đủ năng lượng để cất lời gọi, nếu chưa đủ niềm tin rằng người khác có thể đi cùng mình lúc mỏng manh này, mình hãy cho phép mình được một mình ở yên trong nỗi đau. Ngồi thật yên. Nhìn thật sâu. Bằng sự tò mò với cuộc sống.

Rồi mình có thể freewriting một chốc.

Rồi bất cứ lúc nào thấy cần ai đó đi cùng, mình có thể cho phép mình tìm nhau, cùng trú trong nỗi bất an. Diệu kỳ thay là được đi với nhau, đường xa bớt mỏi.

Đó là tất cả nội dung tụi mình đã trò chuyện hôm qua. Xin cảm ơn những người bạn vẫn âm thầm nâng đỡ và đồng hành trên con đường thực tập hiểu bản thân. Nguyện mong mỗi chúng ta đều đủ can trường để đối diện và đủ can trường để học cách an trú trong nỗi đau của chính mình.

Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc.
Phiên Nghiên
CA, 3.2022

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

1 Comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s