Làm sao vượt qua “writer’s block”?

OK. Có vài điều để bàn về “Writer’s block” – Đây là tình trạng bi đát nhất mà các tác giả đều trải qua, khi mọi nỗ lực viết đều rơi vào ngõ cụt đến mức không thể sáng tác được bất cứ thứ gì hài lòng. Đôi khi, họ đơn giản chỉ ngồi đó, nhìn trân trối mà không viết được gì cả. Hoặc họ sẽ bị sa lầy vào vòng luẩn quẩn của việc viết một chút gì đó, rồi rên rỉ và cuối cùng là xóa bỏ hết mấy thứ có vẻ chẳng đi đến đâu.

Điều gì gây ra “writer’s block”? Vì sao những người hoàn toàn có khả năng viết lại đột nhiên chẳng có gì đáng để viết?

Điều này chắc chắn không phải là chuyện bỗng dưng mất khả năng sử dụng ngôn ngữ. Những người có vẻ không tiến triển được chút nào trên trang viết của mình vẫn trò chuyện được với bạn bè và gia đình, sáng tạo ra những câu chưa từng xuất hiện trong lịch sử ngôn ngữ loài người – thế nên vấn đề không phải là họ bị mất khả năng ngôn ngữ. Nhưng họ dường như chỉ không thể viết tiếp nữa. Vì sao lại thế?

Sự thật thì writer’s block đến từ nỗi băn khoăn, lo lắng. Bất cứ người viết nào cũng muốn đưa ra ý tưởng hay và diễn đạt được chúng một cách hiệu quả. Người viết rơi vào tình trạng căng thẳng khi họ cảm thấy mình không thể có được ý tưởng xuất chúng hoặc không viết được ra một cách rành mạch, hay ho và khôn ngoan.

Phải nói trước rằng Art không có trải nghiệm cá nhân thực sự với writer’s block. Anh ấy thường phủ kín chữ lên trang giấy với tốc độ nhanh khủng khiếp. Ban đầu có rất nhiều từ vô nghĩa, nhưng điều này chưa bao giờ ngăn Art tiếp tục viết. Sự bất chấp của Art với những gì được viết xuống thực sự là một ví dụ hữu ích để hiểu làm sao vượt qua được writer’s block. Khi viết, Art chẳng mảy may bận tâm đến câu cú, ý tưởng hay dở thế nào, anh chỉ chú tâm viết xuống mọi thứ.

Bob chỉ ra rằng hầu hết người viết thường so sánh những thứ họ đang viết dở dang với tác phẩm hoàn thiện của các tác giả vĩ đại mà họ từng đọc, hoặc thậm chí là tự so sánh với chính mình khi ở phong độ tốt nhất trong quá khứ. Một tiểu thuyết gia có thể tự vấn về chuyện vì sao văn chương của mình không giống như Hemingway hoặc Updike (hay thậm chí Stephen King hoặc James Patterson). Một lần nữa, vấn đề nằm ở chỗ ta đang đánh giá những bản thảo ban đầu như thể chúng là tác phẩm cuối cùng đã được nhiều biên tập viên chỉnh sửa vậy.

Tất nhiên, phần lớn độc giả chỉ thấy các tác phẩm đã xuất bản. Điều họ không thấy là các bản thảo đã tạo nên tác phẩm đó: những câu văn lủng củng cần phải chỉnh sửa, những lập luận rời rạc và phi logic, hay các từ trùng lặp trong nhiều câu liên tiếp…

Rất ít nhà văn có thể viết một tác phẩm hay ngay từ bản nháp đầu tiên như cách Mozart tạo ra các bản giao hưởng. Nhưng hầu hết các tác giả thành công đều hiểu rằng: những người có ý tưởng tốt nhất là những người có nhiều ý tưởng nhất. Điều này cũng được ủng hộ bởi nhiều nghiên cứu tâm lý học. Không có cách nào để chỉ tạo ra những ý tưởng tuyệt vời. Thay vào đó, bạn phải bày hết mọi thứ ra rồi học cách chộp lấy ý tưởng hay khi nó xuất hiện.

Cách để làm bất cứ một công việc sáng tạo nào (như viết, chẳng hạn) là đừng sợ những ý tưởng chán và tầm thường. Dù chúng không hay cũng chẳng sao cả, bạn hoàn toàn có thể bỏ đi sau đó. Khi Art viết cuốn Smart Thinking, anh ấy có đến 2 bản thảo hoàn toàn khác nhau của cùng một chương sách, rồi lại bỏ hết đi và viết bản thảo thứ 3 mà anh (và biên tập viên) cảm thấy ưng ý nhất. Nếu chỉ chờ đến khi có bản thảo hoàn hảo cho một chương, có lẽ anh ấy đã từ bỏ luôn cả quyển sách.

Câu chuyện này đưa đến một điểm quan trọng khác, đó là bạn không nên lo sợ việc để người khác biết ý tưởng của mình, ngay cả thậm chí khi bạn không hề tự tin về chúng. Đôi khi, một người bạn hoặc biên tập viên sẽ không thích những gì bạn viết và bạn sẽ phải làm lại, nhưng chẳng có lý gì để cứ giữ khư khư bản thảo. Ngược lại là đằng khác: Người viết phát triển khả năng của mình thông qua quá trình đối diện và học hỏi từ những chỉ trích và bình phẩm – của chính họ và cả người khác – về các ý tưởng.

Nỗi sợ cho người khác biết ý tưởng của mình là biểu hiện của một dạng hội chứng Kẻ mạo danh (imposter syndrome). Nghĩa là, những người này cảm thấy họ là kẻ duy nhất chẳng làm được gì nên hồn so với bạn bè đồng trang lứa. Họ lo lắng rằng nếu người khác biết mình đã phải nỗ lực ra sao để làm tàm tạm điều gì đó, mình sẽ bị coi là kẻ bất tài.

Vấn đề là hầu như tất cả mọi người đều “biên tập” hình ảnh trước công chúng. Hãy thử nhìn vào Facebook của mọi người mà xem. Gia đình nào cũng tuyệt vời và rạng rỡ. Đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn và giỏi giang. Người ta thường không để người khác biết được lỗi lầm của mình hay vấn đề họ đang gặp phải. Những gì bạn nhìn thấy ở người khác là những gì họ muốn thể hiện ra, và đó thường không phải là những thiếu sót hay thất bại.

Để thành công trong việc sáng tạo, điều quan trọng là bạn phải vượt qua được sự khước từ năng lực sáng tạo của chính mình. Tất cả các nhà văn đều từng viết ra những câu văn dở tệ, những đoạn văn tối nghĩa. Họ cũng từng sáng tác những mẩu chuyện nhàm chán bắt nguồn từ ý tưởng của người khác, hay thiếu mạch lạc trong cách hành văn hết lần này tới lần khác.

Sẽ chẳng ai nghĩ xấu về bạn nếu bạn cho họ xem những gì chưa hoàn hảo. Thậm chí có khi họ còn cảm thấy nhẹ nhõm vì hóa ra bạn cũng giống họ – chỉ là một con người, và có khi họ còn cho bạn vài lời khuyên hữu ích.

Việc lo lắng về những gì người khác nghĩ về tác phẩm của mình sẽ khiến bạn muốn sửa đổi lại hết toàn bộ ý tưởng, thậm chí trước cả khi bạn cho chúng một cơ hội để được cân nhắc tính khả thi. Đôi lúc, một ý tưởng tệ hay tầm thường chỉ là bước đệm cho cái tuyệt vời hơn mà thôi.

Cách duy nhất để có một ý tưởng là chắt lọc nó từ trong ký ức. Thông tin sẽ được “truy xuất” từ trí nhớ để phản hồi lại với điều mà bạn đang nghĩ đến. Ví dụ, hãy thử nghĩ về một lớp học mà bạn đã tham dự. Điều này rất dễ phải không? Bạn được yêu cầu nghĩ về một lớp học, và bạn đã làm được.

Nếu muốn thay đổi những gì mình đang nghĩ, bạn cần phải tự hỏi mình những câu hỏi khác nhau. Một cách để làm điều này là hãy cứ để những ý tưởng có vẻ không hay mấy được xuất hiện trước. Bạn chỉ cần tìm một điểm khởi đầu, có thể một ý tưởng tệ nào đó sẽ khiến bạn nghĩ về một thứ gì khác hay hơn. Qua thời gian, những ý tưởng tệ hại ấy sẽ trở thành những ý tưởng tốt – biết đâu lại là xuất sắc. 

Để vượt qua được writer’s block, bạn cần phải xây dựng thói quen viết để cứ mỗi khi ngồi xuống là có thể viết mọi thứ ra, chuyện chỉnh sửa để sau. Tác giả nổi tiếng Stephen King cứ mỗi 20 phút lại nghĩ ra một ý tưởng sách mới (Ôi trời, ổng lại vừa có ý tưởng mới kìa). Ông cũng chia sẻ rất nhiều về quá trình sáng tác của mình. Bí quyết của ông ấy? Đó là viết mỗi ngày. Mỗi sáng sau khi thức dậy, ông đều sẽ viết trong vài giờ. Ông cho rằng các nhà văn cần xây dựng những thói quen liên quan đến chuyện viết lách như cách mà chúng ta tạo thói quen đi ngủ mỗi đêm vậy.

Ngoài ra, một lý do để bạn nên viết mỗi ngày là bởi viết là một kỹ năng. Bob dành rất nhiều thời gian để dạy và hướng dẫn các nhạc sĩ. Cuối cùng, họ đều nhận ra rằng họ phải tiếp tục luyện tập để ngày một tốt hơn, và cũng cần nhận nhiều phản hồi từ người khác để trau dồi khả năng âm nhạc của mình. 

Viết là một kỹ năng và nó sẽ trở nên thành thục hơn khi bạn rèn luyện, vì thế hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Tiếp nhận những lời góp ý sau đó. Rồi cứ tiếp tục viết. Nói ngắn gọn thì: Cứ viết đi!


🔸 Trích sách “Brain Briefs” – Art Markman & Bob Duke

🔸 Bản dịch được đóng góp bởi Trâm Trần, Minh An (nhóm Viết Để Tự Do cùng Phiên Nghiên)

🔸 Mục TỪ TỪ ĐỌC giới thiệu những bài viết cần đọc từ từ. Cảm ơn bạn đã cùng đọc.

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s