JOKER – CÁI GÌ LÀ CÁI ÁC?

Chưa có phim nào mình đi xem mà ngoài rạp lại đầy cảnh sát và chó an ninh đến thế. Rạp đầy người, nín lặng trong lúc chiếu và kết thúc bằng một tràng vỗ tay. Lúc xem trailer đã nghĩ là phim sẽ hay, nhưng không lường được là phim hay theo kiểu như vậy.

Dù biết sẽ có những người nhất định không thích phim này, hoặc cảm thấy ghê tởm, hoặc cảm thấy dã man, hoặc cảm thấy chán, hoặc cảm thấy bị dắt mũi cảm xúc bởi những bày binh bố trận của đạo diễn và anh diễn viên đóng quá đỉnh, nhưng mình vẫn chọn đây là một trong những bộ phim đáng để xem lại. Mình muốn nói với họ rằng, đừng nhắm vào bạo lực, đừng nhắm vào chính trị, đừng nhắm vào những đen tối trong phim, đừng so sánh với những phim cùng thế giới hay khác, không chỉ bởi phần đó phô bày quá sẵn, như cách truyền thông sẽ làm để lấy thêm một view của bạn hàng ngày, hãy nhìn vào con người. Chuyện của Joker là chuyện của một chàng Arthur cô đơn, lạc lõng, bi thương giữa xã hội. Ai nên xem Joker ư? Ai đó quan tâm đến con người. Ai đó từng hỏi tại sao người ta (được khuyến khích / phải) trở thành một người tốt. Ai đó từng nhất mực tin rằng cái ác luôn (phải) bị triệt tiêu và trừng trị.
.
Ở Mỹ một thời gian, mình thấm những cảnh đặc biệt rất Mỹ: con đường tối ướt, những con chuột khổng lồ, những thang dốc cao thăm thẳm, hộp thư trống rỗng, những thang máy cũ kỹ, đám người mặc vest trên đại lộ tài chính, ánh đèn chớp tắt của metro, những cánh cửa im lặng trong apartment, những xác người homeless ngáng chân người đi bộ… Tất cả như đào hố sâu bên trong, khi mỗi ngày người ta đều đối diện với nó bất lực cùng với từ ngữ hoa mỹ và những hào nhoáng khác, như một điều bình thường. Có lẽ người dân Mỹ dần tỉnh táo nghĩ lại vấn đề chính không phải là quyền tự do ngôn luận, góp thuế tìm mặt trăng, người nào lắm trò nắm quyền, hay các vấn đề mua sắm theo mùa… mà thứ cần nghĩ nhất chính là sự phân hóa giàu-nghèo ở đây lấy đi ý nghĩa thực sự của việc-sống, mới thật là khủng khiếp.

Dâng theo từng khung hình là cảm giác lạc lõng, bị rời bỏ và vô nghĩa trong cuộc đời của Arthur (có lẽ vì vậy nên người ta thỏa mãn với những bùng nổ sau này). Nhìn thật kỹ lồng ngực trơ xương bao bọc lấy phổi đang phập phồng, mình nghĩ không biết có bao giờ Joker tự quan sát những nhịp trồi sụt đó không? Arthur (rất người) luôn muốn được hiện diện, nhưng chưa bao giờ được, dù trong một section (có vẻ) dành riêng cho mình với social worker, dù trong một thứ tình (có vẻ) là tình cảm đẹp, dù trong một mối quan hệ (có vẻ) là quan trọng nhất đời. Cái đau đớn của một người muốn-được-hiện-diện không phải là vì chính mong muốn đó, mà là sai đối tượng. Nếu biết hiện diện với chính mình, chứ không phải hiện diện với đám đông sẽ làm nỗi khổ của Joker khác đi, nhưng làm gì có câu chuyện này để xem. Tâm lý nạn nhân sẽ làm cho một người đầy căm ghét và phun hết căm ghét đó ra thế giới. Mặc dù không tương tự về nội dung, nhưng Joker và The Shining cho mình một cảm giác giống nhau: uncomfortable – không thoải mái khi xem phim, có lẽ phim được thiết kế để như vậy. Giống như cách bạn sẽ không thoải mái khi bị buộc phải “put on a happy face”!

.
Mình không bị sợ tiếng cười (cái tiếng cười như tiếng khóc nấc) của Arthur, nhưng bên trong mình vỡ vụn bột vàng lấp lánh theo điệu nhảy của Joker. Đau đớn thay khi con người được bày tỏ thật nhất chính là trong một show diễn, bất chấp ánh đèn và sự ngưỡng vọng, khát khao ngày cũ. Đau đớn thay những ngày đẹp nhất đáng lẽ là một ngày bình thường, lại lấp đầy bằng vòng lặp của sự lừa dối, chất đầy như những đống rác bẩn thỉu khắp khung hình ẩm ướt khó chịu. Đau đớn thay là ánh mắt của một người chỉ cần được biết cảm giác sống, đã đậm nét lên trong khoảnh khắc họ được sống thật nhất, bất chấp quy chuẩn thiện – ác của xã hội, và đám đông bị rung chuyển bởi năng lượng của lòng tin, của cái thật, chứ không phải bởi giá trị nào ngoài kia cả. Đúng vây, bằng năng lượng cũng như niềm tin trong sáng nhất, chân thật nhất, kể cả sự căm ghét cũng có được cộng đồng của mình…

Cuối cùng thì người ta nên chấp nhận rằng Batman và Joker hoàn thiện nhau. Xấu và tốt phải ở kế bên nhau. Và một người được lấp đầy bởi cái gì, sẽ vẩy tung tóe cái đó ra ngoài, dù là tình yêu, sự căm ghét, hận thù hay những nỗi đau. Theo sự trưởng thành cá nhân, người ta sẽ tới lúc qua thời thích xem phim kinh dị về con quái vật xấu dị nấp đâu đó sau cánh cửa bất thần nhảy ra hù chết khiếp, mà sẽ rúng động bởi những thứ ngược với lẽ người bên trong một con người, làm hãi sợ đến ám ảnh vì thật quá!

Joker không định nghĩa cái ác, nhưng giúp người xem thấu hiểu rằng những điều ám ảnh thực sự không nằm ở bên ngoài, mà chính bên trong mỗi người.

Phiên Nghiên 10/2019

#phiennghien#vietdetudo#Joker#Todd_Phillips#Joaquin_Phoenix
#chuyện_ở_Mỹ

• Ghi chú về #phienxemphim: Ở mục này mình thường không #review, không spoiler, không gây hấn, và không nói về phim mình cảm thấy nhàm chán (rất mất thời gian). Mình tập trung vào những điều đồng điệu, điều mới và hay từ ngôn ngữ điện ảnh vào trong cuộc sống cá nhân mình. Vậy thôi!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s