


Ngày còn nhỏ, một trong những mục mình thích đọc nhất là Chuyện Đông Chuyện Tây trong cuốn Kiến Thức Ngày Nay. Nếu hồi đó có Facebook thì Chuyện Đông Chuyện Tây hẳn phải đạt triệu followers. Bây giờ có mấy trang cũng hay đăng chuyện chữ nghĩa tiếng Việt nhưng không có khí chất như Chuyện Đông Chuyện Tây ngày xưa. Sự trình bày gọn ghẽ, trong sáng, nội dung nghiên cứu sâu rộng và thái độ đầy khiêm tốn của bác An Chi đã thành ấn tượng với mình.
Bác An Chi đứng mục này bền bỉ, với một phong cách đĩnh đạc, ngắn gọn, đào sâu nghiên cứu nhưng cũng không ngại đính chính xin lỗi bổ sung. Đối với đứa trẻ luôn tin rằng người lớn/cô thầy là đúng như mình, chuyện một học giả học rộng hiểu nhiều mạnh dạn xin lỗi, mạnh dạn học hỏi, đã khiến mình bớt sợ sai nhiều lắm.
Bác từng nói: “Có thể tôi không có phát kiến gì lớn lao trong những bài viết của mình, kể cả khi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây hay khi tôi viết về Truyện Kiều cũng vậy, tôi chỉ có một niềm say mê vô hạn dành cho công việc nghiên cứu ngôn ngữ.”
Phải công nhận rằng đam mê lao động với chữ nghĩa của bác đã truyền cảm hứng cho việc học tiếng Việt của mình. Mình từng vô vọng ôm những thắc mắc tưởng chừng vô dụng như “Tại sao gọi là cái đi-văng?”, hay “Gò Công có nhiều công không?”, hay tự hỏi về quê mình “Mỹ Tho là gì?” Mấy câu hỏi đó có bổ béo gì đâu, ai rảnh mà trả lời cho mình chớ. Vậy mà có bác.
Nhờ phát hiện ra Chuyện Đông Chuyện Tây, mình đã giữ được sự tò mò với chữ nghĩa. Đọc từng kỳ không đủ thèm, mình đi mua từ điển tiếng Việt về đọc, rồi còn có thói quen ghi chú những từ không hiểu để “có dịp gởi thư hỏi bác An Chi”.
Khi Chuyện Đông Chuyện Tây xuất bản thành sách, mình dành dụm mua hết cả bộ. Mỗi ngày đọc vài trang đã thấy sướng rơn.
Hôm nay nhận tin bác mất, mình buồn thiệt buồn. Ừa, bây giờ bác đã dừng cuộc rong chơi miền chữ nghĩa, về hàn huyên với bè bạn nơi xa. Bây giờ, không còn ai nói Chuyện Đông Chuyện Tây nữa rồi.
Có những không gian tinh thần rất kỳ diệu, dù người ta không gặp nhau trực tiếp đối mặt nhưng vẫn cảm thấy nhau khi cùng bước vào. Ở đó, người ta nhận ra nhau, biết ơn sự hiện diện của nhau, rồi thôi, không lời nào ừ hử, nhưng tràn ngập sự giao cảm và biết ơn. Mình nghĩ, nhiều người đã gặp được bác ở không gian ấy thông qua các công trình nghiên cứu mà bác đã thực hiện.
Xin cảm ơn bác. Thương tiễn bác về nơi xa.
Từ một độc giả biết ơn sự đam mê và lao động nghiêm túc của bác.
Phiên Nghiên
CA, 10/2022