
Mấy năm trước nghe Thầy Thích Nhất Hạnh kể về duyên may dẫn Thầy vào đường tu là từ ngày nhỏ xíu, khi Thầy tình cờ được nhìn thấy một bức ảnh Bụt trên bìa của một tạp chí Phật giáo do anh trai mình mang về nhà: “Bụt ngồi an nhiên trên cỏ, mỉm cười và bình an hơn bất cứ ai xung quanh tôi lúc bấy giờ. Hình ảnh đó đã cuốn hút tâm trí tôi ngay lập tức. Vì vậy mà tôi khao khát trở thành một nhà sư như Bụt.”
Mình đã thấy tò mò về tờ tạp chí và bức ảnh đó. Những ngày Thầy còn nhỏ là khoảng những năm 1930, đã có tạp chí Bụt ư? Tuyệt vời quá vậy!
Sinh thần của Thầy năm 2022, mình ngồi đọc vài trang sách về chặng đường Thầy đi bỗng lại dấy lên câu hỏi ấy và tìm ra Đuốc Tuệ. Đây chính là tờ tạp chí Thầy đọc năm xưa. (1)
Đuốc Tuệ phát hành ngày 1 và 15 hàng tháng, là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc kỳ. “So với các tạp chí Phật học cùng thời như Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ có một điểm khác biệt độc đáo: sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý đạo Phật một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân. Đây là một hình thức hoàn toàn mới trong Phật giáo.” (2)
.
Mọi thứ đều có sự liên kết và tiếp nối nhau.
Năm 1935, Đuốc Tuệ bắt đầu chủ trương “Nhân gian Phật giáo”.
Năm 1960, Thầy bắt đầu “Đạo Phật hiện đại hóa” với các hoạt động từ Thanh niên phụng sự xã hội.
Năm 1964, Thầy tiếp tục với Dòng tu Tiếp Hiện (3), rồi Đạo Bụt dấn thân (Engaged Buddism), Đạo Bụt đi vào cuộc đời…
Thầy thấy rõ sự vô thường trong đạo Phật để có sự biến đổi tiếp theo, để con người được học ở Bụt và chuyển hóa chính mình ngay trong khắc này, kiếp này:
“Chúng ta đã học rằng tinh hoa của Phật pháp là tuệ giác về vô thường và vô ngã. Theo tuệ giác này thì bất cứ một thực tại sinh động nào, một living reality nào, cũng phải luôn luôn biến chuyển. Phải biến chuyển thì nó mới có thể tồn tại, có thể linh động được. Nếu không biến chuyển, thì nó bắt đầu chết như là một gốc cây. Khi một cây ngưng lại sự lớn lên và biến chuyển, thì cây đó bắt đầu chết. Một con người cũng vậy. Thành ra vô thường là nền tảng của sự sống, và nếu đạo Bụt nói tất cả đều là vô thường thì đạo Bụt cũng vô thường. Đạo Bụt phải vô thường thì đạo Bụt mới có thể còn là đạo Bụt. Cũng như một cây bắp, muốn còn là cây bắp thì phải tiếp tục mọc lên. Không mọc nữa thì cây bắp sẽ chết, và không còn là cây bắp nữa. Cho nên vô thường là rất quan trọng, vì vậy ta thấy rằng đạo Bụt phải thay đổi. Thay đổi không phải là để không còn là đạo Bụt nữa mà thay đổi để có thể mãi mãi vẫn còn là đạo Bụt. Vì vậy đạo Bụt phải khế cơ, nhưng đồng thời cũng phải khế lý. Vì vậy cho nên trở về với nguồn suối của đạo Bụt Nguyên thủy là chuyện rất quan trọng.
Đứng về phương diện khế cơ chúng ta nói đạo Bụt phải đáp ứng được, phải giải quyết được những khổ đau hiện thực. Những khổ đau hiện thực đó, ta có thể nêu ra một ví dụ: Sự không có niềm tin. Hiện nay có rất nhiều người trẻ không biết tin vào cái gì. Vì vậy họ sống như những cô hồn, không thấy gì đẹp, không thấy gì lành, không thấy có gì thật hết. Toàn là xấu xa, toàn là giả dối, toàn là ác độc. Họ không có một cái gì để nương theo hết. Đó là căn bản của niềm đau lớn nhất của thời đại. Khi họ nhìn vào gia đình, họ thấy gia đình tan vỡ, họ thấy bố mẹ không có hạnh phúc, cha và con không có hạnh phúc, họ không tin vào gốc gác gia đình nữa. Không tin vào gia đình thì việc họ sống như một cô hồn là không thể nào tránh được.”
“Cá nhân chủ nghĩa, Individualism, trở thành tràn ngập. Chỉ lo cho mình thôi, vì vậy cho nên mình cứ tin rằng hạnh phúc là cái mà mình đi tìm kiếm riêng cho mình, mình không biết hạnh phúc là vấn đề tương tức.
Nếu người kia không có hạnh phúc thì mình không thể nào có hạnh phúc được. Không có niềm tin thì không có tình thương. Khi mình đi theo cá nhân chủ nghĩa thì mình không có niềm tin, không có tình thương. Tại vì có thương thì mình có liên hệ tới người khác, và mình thấy hạnh phúc của người khác có liên hệ tới mình. Thấy vậy thì làm sao mình đi theo con đường cá nhân chủ nghĩa cho được?” (3)
.
Có những người chỉ trích Thầy vì hong chỉ đường tu Niết Bàn Giác Ngộ theo kiểu linh thiêng thần thánh (bởi họ cho rằng đó mới là đạo Phật), rồi kéo theo những chuyện khác nữa về Thầy. Chỗ này phải học ở Thầy lòng tin vào con đường của mình, để ung dung đi tới và thương cả những người chưa thương mình nữa.
.
Nhìn tờ Đuốc Tuệ, mình cảm thấy biết ơn những ai đã dành tâm sức gom chữ, xuất bản và điều hành, biết ơn cả người sưu tầm và giữ gìn upload. (4)
Nhìn ảnh Bụt trên tờ Đuốc Tuệ, mình cảm thấy như được ở cùng không gian với “đứa trẻ” Thầy nhắc năm xưa.
Dù Đuốc Tuệ đã đình bản từ lâu, Thầy cũng đã tịch, nhưng ở đây vẫn còn sáng ánh trí tuệ để lại, soi rõ từng góc cái khổ cái vui và cho mình thấy con đường.
Nguyện mong mỗi chúng sinh được an lạc và gặp nhiều duyên may trên hành trình sống kiếp này.
.
Phiên Nghiên
CA, 10/2022
(nằm trong loạt bài “Theo bước chân Thầy”)
(1) Từ A Pebble for Your Pocket (2001)
(2) https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tap-chi-duoc-tue-cua…
(3) https://langmai.org/…/u-nghia-cua-dong-tu-tiep-hien/
(4) Đọc thử vài số Đuốc Tuệ ở đây https://www.thuvienphatgiao.com/…/Tap-chi-Duoc-Tue.html