KÝ ỨC PARIS BY NIGHT

tin ông Tô Văn Lai qua đời trên VOA

Ông Tô Văn Lai, người sáng lập chương trình Paris By Night, qua đời như một dấu chấm nữa cho sự kết thúc dần rõ của những người cùng thời đại của ông vẫn cố gắng bền bỉ hoạt động nghệ thuật dù phải xoay sở với cuộc sống tại hải ngoại.

Mình có cảm giác việc họ phải rời quê hương, dù bất đắc dĩ hay chủ động lựa chọn, cũng là một vết thương. Vậy nên họ cố gắng giữ lại những gì rất Việt Nam trong ký ức của họ bằng nghệ thuật. Cơm áo không đùa với khách thơ, làm lại cuộc sống tại Mỹ bắt buộc người ta phải lo lắng nhiều thứ nhưng họ vẫn khao khát tìm một không gian để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Lữ Liên, Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Du Tử Lê, Tô Văn Lai… là những người như vậy. Không bàn đến quan điểm chính trị, mình công nhận rằng nỗ lực của họ là một điều rất đáng trân trọng.

Tô Văn Lai và Phạm Duy

Di sản lớn nhất của Tô Văn Lai phải nói đến Paris By Night.

Josie Huang viết trên báo The World một câu rất hay: “For Vietnamese, ‘Paris By Night’ is a mix of Vegas, nostalgia and pre-war culture.” Đó chính xác là phần hồn của chương trình này, hoài niệm và ám ảnh về văn hóa một thời.

Ký ức của mình vẫn còn nhớ cái bìa của Paris By Night số 1 màu xanh và hàng chồng băng VHS trong chiếc tủ gỗ khóa chặt ở nhà. Có một thời gian muốn nghe thì người lớn phải khóa cửa và mở âm lượng nhỏ thôi. Mình không hiểu lắm vì sao nghe nhạc phải thế, thì họ bảo là băng này bị cấm.

cuốn Paris By Night số 1

Những năm 1990, Việt Nam vẫn chật vật với kinh tế nên mảng giải trí bị bỏ lơi, chương trình Paris By Night như kể về một ước mơ, về thế giới lấp lánh không có thật.

Mình lớn lên với nhiều giai điệu của Paris By Night và Asia vì ở miền Tây người ta nghe nhiều lắm, tất nhiên toàn đĩa lậu. Mình thấy Asia hay nói chuyện cay đắng tiêu cực hơn, nhưng cả hai trung tâm đều có cách hòa âm phối khí riêng, cái nào cũng dễ nghe dễ thuộc. Bên Paris By Night thì có cặp MC nói những chuyện không phải lúc nào mình cũng hiểu, nhưng ngồ ngộ.

Lớn lên một tí, mình bắt đầu nhận thức được có một cộng đồng người Việt đông đảo ở bên kia đại dương, những người ăn mặc đẹp đẽ để đi coi ca nhạc, nói một thứ tiếng Việt là lạ, và có một nghề nổi tiếng gọi là “làm neo”.

Những cái biết đó là do băng Thúy Nga. Như cô Caroline Kiều Linh (nhà nghiên cứu ở UC Davis) từng nói, Paris By Night độc đáo không chỉ vì cách nó được tạo ra, mà còn vì mức độ phổ biến và cách nó quay trở lại/ảnh hưởng tại Việt Nam.

một băng cũ được bán trên Ebay

Qua Mỹ, mình gặp những người Việt Nam thế hệ sau (con của thế hệ vượt biên 1960-1980), họ có thể không nói tiếng Việt rành nhưng đều biết băng Thúy Nga – Paris By Night, biết theo kiểu ngán ngẩm vì “ba mẹ tui nghe nhiều quá!” Có lẽ từng một thời, nhà người Việt nào ở Mỹ cũng có băng Thúy Nga.

Paris By Night tồn tại được tới bây giờ cũng là một cái giỏi, dù hụt hơi với sự chuyển động cuồn cuộn của thời đại, với sự trỗi dậy của giải trí trên Internet, với sự dần mất vị trí/quyền lực/tài chính của tầng lớp khán giả chính. Từ những cuốn băng rất ít sponsor tới những cuốn băng quảng cáo ghế massage/vật tư ngành nail của cộng đồng người Việt tại Mỹ tới những cuốn băng gần đây được sản xuất dưới sự bảo trợ của các nhãn hàng trong nước (Dr. Thanh, tập đoàn Hưng Thịnh, Khơ Thị…), trung tâm vấp phải nhiều sự biểu tình và tẩy chay của khán giả bảo thủ. Nhưng họ vẫn rất cố gắng đi tiếp.

Có lẽ những người biểu tình này từng một thời là những khán giả trung thành. Và họ đều có tuổi…

Có lẽ một phần lớn là đam mê, phần nữa là cô Marie Tô (con gái ông Tô Văn Lai) rất thương di sản của cha mình.

Lúc đọc tiểu sử ông Lai mình mới biết ông từng dạy ở trường trung học mình học ở Mỹ Tho (trường nữ Lê Ngọc Hân ngày xưa). Ông là người mê triết. Mình liên tưởng đến hội bạn bàn chuyện triết và đời của Trịnh, hay Phạm Công Thiện với những thứ triết đủ thứ trên trời dưới đất. Thế hệ thanh niên VN ngày đó dường như được tiếp xúc với những trường phái triết học khác nhau cùng lúc với Mỹ và Châu Âu, sản sinh ra một thế hệ đặc trưng, hoặc làm nghệ thuật sống chết, hoặc sống chết vì không được làm nghệ thuật.

Ông Lai là một người làm nghệ thuật sống chết. Đời ông vậy là trọn vẹn rồi.

Sự kiện ông Tô Văn Lai qua đời như chấm những nốt cuối phai dần trong chuỗi âm thanh từ hồi chuông nghệ thuật được gióng lên từ thế hệ những người nghệ sỹ trải nghiệm nửa phần đời tuổi trẻ trên quê hương nghèo trong chiến tranh và nửa phần đời cuối trên xứ người no đủ hòa bình nhưng chinh chiến vẫn mãi trong lòng…

Dù nhiều tranh cãi, vẫn xin cảm ơn những gì ông đã làm với thế giới mà ông đã sống.

Rest in peace.

Phiên Nghiên

CA, 7.2022

trung tâm Thúy Nga ở Quận Cam, từ Google Map

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s