những lầm tưởng về Tình Yêu

Sharon Salzberg là vị giáo thọ Phật giáo và là một tác giả nổi tiếng. Cùng với Joseph Goldstein và Jack Kornfield, Sharon đã thành lập Insight Meditation Society (IMS) ở Barre, Massachusetts – một trong những trung tâm thiền tập nổi bật và hoạt động tích cực ở phía Tây. Cô là tác giả có tác phẩm thuộc danh sách best-seller của New York Times và là người phụ trách chuyên mục hàng tháng On Being. Dưới đây là bài phỏng vấn Sharon Salzberg được thực hiện bởi Kate Green Tripp, phó tổng biên tập của 1440 Multiversity.


1440: Những “truyền thuyết/lầm tưởng/quan điểm sai lệch” về tình yêu mà chúng ta thường nghĩ đến là gì? 

Sharon Salzberg: À, đối với tôi, một trong những quan niệm sai lệch lớn nhất mà tôi từng trải qua là: tình yêu do người khác quyết định, là thứ mà người khác có thể trao cho tôi, nhưng điều đó lại khiến tôi rất dễ tổn thương vì nếu ai đó quyết định lấy nó đi, tôi sẽ không còn gì cả. Tôi sẽ mất hết. 

Điều mà tôi thường liên tưởng đến khi nghĩ về chuyện này là hình ảnh một nhân viên giao hàng đứng trước cửa nhà với một món đồ trên tay, nhìn địa chỉ được ghi trên đó rồi ngẩng lên nhìn tôi và nói: “À, tôi nhầm” rồi mang nó đi nơi khác.

Một trong những trải nghiệm lớn nhất mà tôi có khi thiền tâm từ (metta meditation) là ở Burma vào năm 1985. Trong thời gian thực hành chuyên sâu tại đây, “truyền thuyết” này đã thay đổi hoàn toàn bằng một cách nào đó, và tôi thật sự bắt đầu nhìn nhận yêu thương như một năng lực tự thân – một năng lực có sẵn bên trong mình. 

Tôi bắt đầu hiểu ra rằng người khác hoàn toàn có thể khơi dậy tình yêu, nuôi dưỡng hoặc đe doạ nó, nhưng lòng yêu thương là của tôi. 

Đây là một sự chuyển hóa vi tế nhưng có tác động rất lớn. Điều này cũng tạo nên một cảm nhận rất khác về sự trao quyền, niềm vui và trách nhiệm, bởi vì nếu lòng yêu thương là của chính mình, thì rốt cuộc tôi có thể lựa chọn đưa nó vào một cuộc đối thoại hay một mối quan hệ đang gặp trở ngại hoặc khó khăn nào đó. 

1440: Vậy còn những quan niệm khác về tình yêu khiến chúng ta đau khổ là gì? 

Sharon Salzberg: Tôi nghĩ chúng ta thường tự nhìn nhận về bản thân bằng những câu chuyện khiến mình đau khổ. Cũng có khi đó là điều người khác nói về ta và ta có xu hướng tin những gì họ nói. Những điều này đúng ra là quan niệm về bản thân hơn là quan niệm về tình yêu, nhưng chúng có liên quan đến nhau. Những câu chuyện kiểu như: “Có lẽ mình không xứng đáng” hoặc “Mình là một kẻ thất bại/đau khổ….”

Trên thực tế, “cảm thấy đau khổ” và “đau khổ” là hai chuyện khác nhau. 

Thay vì đồng hóa nó với chính mình, ta có thể đổi thành: Lúc này tôi cảm thấy như vậy. Tôi nghĩ đó là cách khôn ngoan và lành mạnh hơn để tiếp cận với cảm giác tổn thương. Ta cảm thấy tuyệt vọng. Ta cảm thấy mình không đâu vào đâu. Ta cảm thấy mình kiệt sức. Nhưng ta không đau khổ – dù chúng ta thường nói như vậy. 

Hoặc ta được nghe những điều về bản thân từ cha mẹ hoặc từ nền văn hoá của mình, những điều khiến ta có cảm giác mình không thuộc về/ lạc lõng. Ta ghi nhớ những điều này và từ đó, đưa ra các lựa chọn khiến mình đi đến chỗ khước từ các cơ hội. Nếu ta được “lập trình” để không tin tưởng hay trông chờ/phụ thuộc/dựa dẫm vào ai, hoặc nếu ta tin rằng mình phải tự làm mọi thứ và đừng quan tâm đến người khác bởi vì họ cũng sẽ không quan tâm đến ta đâu, thì rốt cuộc ta chỉ còn lại một mình. 

1440: Giờ chúng ta hãy nói về ảnh hưởng của việc tin vào những “truyền thuyết” này. 

Sharon Salzberg: Tôi nghĩ rằng sự ảnh hưởng là rất đáng kể. Các quan niệm này có thể chi phối cảm giác của chúng ta về hạnh phúc và khả năng xây dựng các mối quan hệ. Chúng có thể ngăn cản ta tận hưởng những điều kỳ diệu diễn ra xung quanh mình. Chúng có thể khiến ta nhìn nhận nỗi khổ niềm đau theo một cách rất độc hại, như thể đó là lỗi của ta và rằng ta đã làm mọi thứ hỏng bét. Cách phản ứng đó khiến đau khổ trở thành thứ gì đó đáng xấu hổ, thay vì chỉ là một phần của cuộc sống.

Một trong những lợi ích của tỉnh thức, chánh niệm là nhìn xuyên qua những quan điểm phổ biến này.

Những cảm giác cùng khởi lên với các quan điểm này rất dày đặc và mạnh mẽ tới mức khiến chúng ta dễ nghĩ rằng, “Ồ, đây chính là những gì mà tôi cảm nhận.” Ta cần các công cụ để giúp mình nhớ lại rằng, “Khoan đã, sáng nay mình đã cảm thấy khác kia mà.”

Một gợi ý của tôi là bạn hãy gán cho “kẻ phán xét bên trong” một danh tính, bởi vì rất nhiều điều có thể phụ thuộc vào chuyện bạn phản ứng với giọng nói đó như thế nào. Nếu bạn có một “kẻ phán xét bên trong” rất cứng đầu, hay cằn nhằn và thích dọa nạt, việc cho cho nó một cái tên – và thậm chí là một cái tủ quần áo – sẽ giúp ích cho bạn.

Tôi đặt tên cho “kẻ phán xét bên trong” mình là Lucy, dựa theo nhân vật trong bộ truyện tranh Peanuts

Trong truyện, Lucy nói với Charlie Brown rằng: “Charlie Brown, cậu biết vấn đề của cậu là gì không? Đó là: cậu chính là cậu.” Charlie Brown trả lời: “Ồ, nhưng tôi có thể làm được gì với điều đó kia chứ?” 

Cái giọng Lucy đó đã luôn “thống trị” cuộc sống trước đây của tôi.

Thực hành thiền đã cho tôi một số công cụ để ứng xử với Lucy. 

Việc tôi đặt tên cho Lucy đồng nghĩa với chuyện khi nó xuất hiện, tôi có thể tiếp đón “kẻ phán xét bên trong” của mình theo cách như là: “Chào Lucy” hoặc “Thoải mái lên nào, Lucy”. Điều này khác biệt và lành mạnh hơn nhiều so với: “Cậu nói đúng, Lucy. Cậu lúc nào cũng đúng.”

1440: Vậy cô định nghĩa thế nào là tình yêu đích thực? 

Sharon Salzberg: Đối với tôi, tình yêu đích thực là một sự kết nối – một cảm giác kết nối sâu sắc. Giáo lý đạo Phật có một khái niệm là metta (tâm từ), thường được dịch là lovingkindness. Tôi thường xuyên dùng khái niệm này nhưng có vẻ nó là một khái niệm kỳ lạ. Bạn không tự nhiên nghe thấy những người bàn bên cạnh nói chuyện với nhau về lovingkindness trong một quán café, phải thế không?

Mặc dù đôi lúc ta nhắc đến tình yêu, nhưng thực sự ta lại nghĩ về một hình thức trao đổi qua lại. Tôi sẽ thương yêu bạn nếu như… (bạn cứ điền vào chỗ trống bất kể điều gì), hoặc tôi sẽ thương yêu bản thân mình nếu tôi không bao giờ phạm lỗi. Và những điều này không phải là ý nghĩa của metta. 

Tôi nghĩ tình yêu đích thực là khi ta đặt ai đó (hay chính bản thân mình) vào vùng quan tâm của mình.

Chính tại nơi mà chúng ta thường quen với việc không quan tâm đến người khác, thì giờ đây, ta chọn lắng nghe và phần nào nhận diện bản thân mình nơi người đối diện, hoặc liên hệ đến chính mình theo cách sâu sắc hơn những tình huống, sự việc trước mắt.

Tuy nhiên, một điều quan trọng mà ta cần hiểu là có sự khác biệt giữa dung lượng trái tim và cách thức hành xử mà ta chọn để đối đãi.

Nói cách khác, có thể trái tim bạn chan chứa tình yêu thương và sự cảm thông cho ai đó, nhưng qua nhận thức, đánh giá, trải nghiệm, trực giác, bạn quyết định không dành thời gian cho họ. Trong khoảng trống của sự khác biệt giữa dung lượng trái tim và cách ta chọn hành xử, rất nhiều điều có thể xảy ra, nếu nói đến khía cạnh xem xét điều gì là tốt nhất.  

Có lẽ có điều gì đó trong mối quan hệ bị mất cân bằng. Có lẽ sự cho đi quá nhiều và nhận lại quá ít. Tình trạng này có thể không phải là vấn đề trong một thời gian, nhưng bây giờ có một điều gì đó – một nguồn cảm hứng hoặc trực giác – khiến bạn nhận ra rằng sự mất cân bằng này không thể tiếp tục và rằng nó sẽ không tốt về lâu về dài.


🔸 Trích dịch “The myths of love” của 1440

🔸 Bản dịch được đóng góp bởi 💜 Đỗ Quyên, Minh An 💜 (nhóm Viết Để Tự Do cùng Phiên Nghiên). Nếu bạn muốn tình nguyện dịch bài thì inbox cho page nhé)

🔸 Mục TỪ TỪ ĐỌC giới thiệu những bài viết cần đọc từ từ. Cảm ơn bạn đã cùng đọc.

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s