
“Mình đã thấy ánh mắt của chồng, kiểu chồng mắng con, mắng đến độ nó sợ xanh mắt mèo, và chồng thấy mình không hài lòng.
Mình đã thấy ở chồng có 2 con đường, rằng chồng nghĩ việc mắng con như vậy là đúng, vì con, vì muốn con không làm thế nữa, vì không muốn con cư xử xấu xí trước mặt người lớn, vì là bố nên phải có trách nhiệm nuôi dạy con, và một con đường khác chính là mình, mình đã nhìn chồng khi đã thấy chồng giận thái quá, khi mắng không có điểm dừng lại, khi đã thấy nó khóc và bố vẫn mắng không thể hạ cơn giận xuống được, còn mình chỉ biết trân trân đứng nhìn, mình không thể làm gì khác, vì chính trong mình đây cũng có 2 con đường, nên tôn trọng chồng hay bế con đi, bảo vệ con, muốn giữ hình ảnh của chồng, một ông bố nghiêm khắc dạy dỗ con của mình, và một con đường là muốn bảo vệ con muốn ôm ấp vỗ về con. Mình đã thấy chồng cũng không biết xử lý ra sao với khủng hoảng của chồng, và chính mình cũng thế, mình chỉ biết đứng nhìn trân trân mà nghĩ ngợi rằng mình nên làm gì, mình nên làm gì bây giờ?
Đúng dường như chúng ta đều quá sợ hãi để dám hành động một điều gì đó, kể cả việc mắng con cũng sợ, hay bao dung con cũng sợ, muốn bảo vệ con cũng sợ, hay là cả làm theo ý mình cũng sợ, mình hiểu, dường như mình cảm nhận được một bên xã hội muốn mình làm như vậy, thước đo của con người, thước đo của lịch sử văn hóa văn minh gì đó, đòi hỏi mình phải nhận thức như vậy, ngược lại bản năng của người mẹ lại muốn khác đi, muốn ôm con mình khi con mình gặp nguy hiểm, bất kể là từ người ngoài hay từ người bố, mình cảm thấy mình đã cư xử tốt hôm nay, ít nhất thì mình đã giữ được thái độ tôn trọng chồng, vì mình cũng thương chồng lắm, chính chồng mình cũng y chang mình, cũng loay hoay với việc làm bố mẹ của cái thời đại này,… mình biết là cái gì đang ám ảnh lên chúng mình, suy nghĩ của tuổi thơ mình trải qua, rồi đòi hỏi từ người lớn như bố mẹ, rồi đòi hỏi từ người ngoài như là mấy họ hàng cô bác, rồi lại đòi hỏi từ sách vở, đòi hỏi từ mạng xã hội, và đòi hỏi từ những trường hợp xung quanh…
Tóm lại là mình thấy nếu nuôi con mà như ông bà mình hồi xưa theo đúng suy nghĩ trời sinh voi trời sinh cỏ, chẳng du nhập cách chăm sóc nào cả, chẳng có stem hay gì mà kiểu Nhật Mỹ Hàn, vân vân, tóm lại chẳng biết bên ngoài họ nuôi con ra sao, tôi cứ nuôi nó lớn là được, thì chính tầng lớp đó làm sao hiểu được cách bố mẹ nuôi con ở thời này chứ, vừa muốn học hành, vừa muốn bao dung, vừa muốn nghiêm chỉnh, vừa muốn làm bạn, vừa muốn là bác sĩ, vừa muốn làm đầu bếp vân vân.
Mình đã từng như thế đó, mình học quá nhiều, xem quá nhiều, đọc hết sách nọ sách kia, quả thực mình đã từng chê bai những người là không chịu trang bị chút kiến thức nào cho việc chăm con cái, rồi bây giờ mình lại mong được như họ, à không mình không mong được như họ, nhưng mình lại thấy họ cũng có điểm tốt đó chứ, là nuôi con bỏ qua lý trí, thì chỉ cần con vui, là được, chẳng cần biết thiên nhiên bao la quá, chẳng cần ăn uống khoa học quá, chẳng cần biết kỹ năng gì gì quá, thì có khi giữa mẹ và con, mối quan hệ này vui vẻ biết mấy.
Ừ phải mình đã nói chuyện với con người khác, mình đã thấy mình rất vui vẻ, mình đã thấy mình ghi nhận tất cả những nhận thức của cô cậu bé đó với thế giới bên ngoài, kẹo, rồi khủng long, rồi cái nọ và cái kia mình đã cười và ghi nhận không phán xét, nhưng điều đó, mình thấy mình khó làm được với con mình, dù cho nó kể về việc nó có lệch lạc về cái này cái kia, thì có lẽ ngay lập tức mình cần chấn chỉnh nó, mình cần thay đổi suy nghĩ đó uốn nắn suy nghĩ đó về cái suy nghĩ mà mình cho là mình đúng, và mình đã sợ sợ nhiều lắm chứ, mình đã sợ con mình hư hỏng mình đã sợ con mình lầm lối, vân vân, rồi rốt cục mình cũng chẳng làm được gì cả.
Từ ngày bỏ đi cái tôi của người mẹ, từ ngay chấp nhận mẹ cũng có giới hạn của mẹ, mình cũng nhận thức được việc mà đòi hỏi ở con mình điều gì, và nếu trò chuyện với con, mình không câu nệ chuyện con phải nhận thức suy nghĩ như thế này mới đúng, mình đã thấy cả hai mẹ con vui vui, và con rất thích nói chuyện với mình.
Con phun cho đường trơn ướt, mình làm 3 bạn ô tô đi và ngã lăn quay ra, đã có lúc mình nghĩ ôi nếu cứ hùa theo câu chuyện đó, là các bạn bị ngã thì sau này này con có cười trên nỗi dau của người khác không, quả thật khi chơi mình vẫn nghĩ như vậy, nhưng rốt cục mình lại nghĩ đến hình ảnh của cậu bé đó, hạnh phúc của mình và cậu bé đó khi nói chuyện với nhau, cảm giác như được gặp bạn tâm giao, như có người chấp nhận mình dù người đó đã lớn tuổi hơn mình, mình cảm thấy thật là yên tâm để được thể hiện, nên mình lại thôi, mình muốn con mình cũng được hạnh phúc như thế, nên mình cho con chính hạnh phúc đó…”.
——
• Trích đoạn từ bài viết của bạn C. ngày 50+ trong hành trình 8 tuần Freewriting.
• Lời Phiên: Thực tập nhận diện suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không phản ứng ngay lập tức là một thực tập khó khăn. Freewriting giúp mình chậm lại một nhịp và giữ cho mình một khoảng không để nhìn thấy mình. Hành trình làm mẹ hạnh phúc không chỉ là học cách chăm con hạnh phúc mà còn là học cách nhìn thấy rõ mình hơn, vậy thì phải cảm ơn đứa con nhiều nhỉ.