
Có những ngày mệt lử, chỉ đủ sức cho hơi thở ngắn hơn một phần mười giây. Vậy mà nước mắt vẫn chảy. Trời, hong lẽ con mắt được điều khiển bằng năng lượng siêu nhiên nào khác, chớ sức ở đâu ra?
Có mấy kiểu chảy nước mắt, kiểu xong thì mệt đừ người, hoặc kiểu ầng ậc vì oan ức, còn cái kiểu quạnh quẽ này nước mắt từ tốn xuất hiện nơi một con suối nào bên trong, rỉ rả, tự khô đi rồi thôi, như một phản ứng tự nhiên khi quá đau ở từng thớ cơ, hoặc lỡ cắt vào tay thì nước mắt trào cùng máu rồi khô dính đi vậy.
Biết là nó sẽ lành nên cũng không để lại khoảng sâu hoắm băn khoăn nào, hoặc đơn giản là nước mắt chảy ra để lấp mấy khoảng sâu đó.
Tiệt chẳng có vị gì.
.
Tuổi hai mươi nó thấy mình khổ vì có thể đội trời đạp đất mà sao hong qua nổi trái tim, hong qua nổi mấy nghĩ suy nhỏ nhoi cứ lần quần trong trí óc. Vậy mà nay đã biết đó chỉ là ảo tưởng, nó, một con người, không thể đội trời đạp đất, cũng không có gì gọi là “qua nổi trái tim”, chỉ may hồn là đã dần hiểu được đám suy nghĩ lần quần bay như đám khói bếp len nơi vách lá.
Nhờ vậy nó mới thấy rõ mấy khoảng sâu màu xám, không phải đau khổ, chỉ là một vết thương trót mang của con người, khi chia ra, khi lìa lặt.
Như lúc thân xác còn khoẻ, người ta không nhận ra là khoẻ, như con cá trong nước nào thấy nước đâu. Tới khi biết rằng cái giới hạn của mình chính là cái thân này, chứ không phải suy nghĩ, thì có lẽ cũng nhiều phần muộn. Sinh, lão, bệnh, tử. Đó là một khoảng sâu màu xám, nó biết và chấp nhận, nhưng nước mắt vẫn thi thoảng tự chảy ra. Tiệt không có vị hối tiếc, vì đã biết.
.
Ừ, có những ngày như thế, chỉ đủ sức nhìn tấm rèm xám và những chiếc máy bay qua, lần lượt, rồi coi mặt trời đổ chếch, cánh tay không thể nhấc lên, những khớp ngón gõ vào bàn phím đủ làm động tới một nỗi đau sâu kín nào đó trên đỉnh đầu.
Rớt vô những cơn mơ dài không đầu cuối, hầu hết chỉ là nó hoặc ai đó đi mải miết, trên một triền đồi xám, trên một bãi biển xám, trong một khu rừng xám, cứ đi.
Nó tin là mình đã đi xa lắm rồi. Cái nền gạch tối chứa tiếng bước chân mẹ buổi sáng, nơi dựng chiếc xe đạp đỏ, cây chổi cùn sau cánh cửa xanh, cái tủ bà nội ngồi gói hai ba đồng tiền vào rất nhiều nilon cũ đầy mùi dầu, cây bông sứ hay rụng sâu lên đầu, cây sơri đã đốn từ lâu, cái chỗ ngồi bí mật nơi nhánh vú sữa chìa lên chái bếp, hàng rào có cái lỗ chó chui, đám rau lang sáng nào cũng bị nó lùa bằm cho heo cho vịt…
Nó đi xa chủ động, là lựa chọn không buồn. Vậy nhưng vẫn có một khoảng sâu sâu màu xám, bởi đó là chia lìa của con người, là tuổi thơ, là thứ nó vẫn vốc hai tay mình đầy ắp kỷ niệm và nước mắt.
Thi thoảng giữa cơn bệnh sảng hồn, nó thấy mình chấp chới ở mấy chỗ nơi nó đi ra, nó lớn lên. Nước mắt chảy chẳng có vị gì, chỉ là lấp đi cái hố đó, như cách nó lên rừng, lỡ hụt chân vào cái lỗ thỏ, nó la lớn như lấp lại chiếc bẫy bằng âm thanh, rút chân lên và đi tiếp.
Khoảng sâu màu xám chứa sự chia lìa, cả khoảnh khắc nó vào đời, khi dây rốn rớt trên tay bà mụ. Nghĩ tới là nước mắt lại rỉ rả dâng lên lấp đầy, và vẫn tiệt không có vị gì. Chỉ là như thế thôi.
.
Từ lâu, nó tập vẽ một cái cây mọc lên từ rốn. “Mong Đất Mẹ dung thứ con, nuôi dưỡng con và chữa lành con.” “Dung thứ” như chiếc rễ bắt từ hạt rốn nơi cắt nhau, trong vùng đất loang rộng nơi ổ bụng. “Nuôi dưỡng” như một cành mọc lên từ hạt ấy thành thân cây mỏng mảnh kéo dài lan xương sống. “Chữa lành” bung nở một đoá hoa rực lên ở tim, ngay lồng ngực. Nó miên man trong cơn sốt và cái cây cứ mọc rồi tàn ngàn lần ngay dưới bàn tay khẽ đặt.
Nó thì thầm mỗi lúc, để ngày về Đất Mẹ cũng mong được nhớ cái cây trong bụng này. Cái cây mọc lên trên từng khoảng sâu hoắm chia lìa. Cái cây nếu ra trái thì tiệt không có vị.
.
Thân xác kèm với thời gian và không gian sẽ giữ người ta ở trong một khoảng trải nghiệm nhất định, nhưng nhắm mắt là về lại ngay tuổi thơ, nhắm mắt là chứng kiến hàng ngàn lần cái cây mọc lên từ rốn.
Tâm thức yên lặng trong veo như nước mắt, không chút vị nuối tiếc hay đau thương. Nước mắt lấp đầy những khoảng sâu màu xám để nó được nghiêng xuống và rọi thấy mình.
Tiệt không vị nuối tiếc hay đau thương.
Tiệt chẳng có vị gì.
.
Phiên Nghiên
CA, 7.2022