spiritual bypassing

Trong xóm, thím hai là người tu tập mà mình thấy kỳ quái. Mỗi lần con cái có chuyện cần bàn mà coi bộ hong theo ý thím là thím bỏ vô tụng kinh. Tụng xong thì coi như sự qua, nhà hong ai dám đụng tới chuyện đó nữa. Sau này mình mới biết có một từ chỉ hiện-tượng-thím-hai, đó là “spiritual bypassing”.

Bởi ta nói, có những thứ mà thẳm sâu tâm con nít trong sáng thấy kỳ kỳ, sau này tìm hiểu lại mới hay… nó kỳ thiệt. Mình đã luôn tự hỏi, tại sao một người tu chăm chỉ đốt nhang tụng kinh như thím mà mình không phục, cũng không muốn gần, nghĩ mãi rồi tự giải thích chắc lối sống của thím hong hợp với mình. Mình ưa cách nếu có vấn đề thì đối diện và giải quyết rồi đi tới, chứ hong phải “Thôi hong có gì đâu” nhưng bụng nặng một ề đá tảng. Mình từng hồ nghi mấy âm ỉ trong lòng người nhà thím tới một lúc nào đó bùng lên như đám cháy rừng thì hết cứu, và sự tình dần như thế thiệt. Chuyện nhà vỡ vụn, mấy đứa con thím đi theo hai chiều hướng, một là nghe tới Đạo thì sợ té khói hỏng cần tìm hiểu, một là y chang thím – đụng chuyện thì đứng dậy đi tụng kinh.

“Spiritual bypassing” là việc mà người ta sử dụng các thực hành tâm linh như cách tránh né đối diện với hiện tại, với cảm xúc không mong muốn, với mấy vết thương chưa giải quyết xong. Nó tinh vi đến nỗi nhiều người thực hành lâu năm cũng có thể rớt vô cái bẫy này. Ừ, ở đâu cũng có thể có bẫy. Thực tập tâm linh cũng vậy. Thứ bẫy gọi là “spiritual bypassing” đó, mình tạm dịch là “tránh né bằng tâm linh”.

Nhà tâm lý học John Welwood phổ biến tìm hiểu “spiritual bypassing” vào năm 1984, mở rộng từ khái niệm của sư Chogyam Trungpa. Mình đọc và thấy không chỉ trường hợp thím hai, còn mấy trường hợp khác mình từng gặp trong đời nữa. Là chị ba hay nói chuyện thực hành tích cực, trời ơi tích cực lên đi mấy đứa, trời ơi cuộc sống tươi đẹp quá nè, trời ơi chuyện có gì đâu mà buồn (hashtag pô-si-tiu). Chị ba tích cực tới nỗi người ta mắc mệt, hong dám tâm sự gì với chị tại chỉ tích cực quá, nghĩ tới là tự thấy mình sống lỗi luôn rồi (Compulsive goodness).

Là cô tư (bạn chị ba ở trên) hay nói chuyện bình an, thường mặc đồ trendy bình an linen nâu phấp phới ánh nụ cười dưới nắng, hong ai thấy cổ xuất hiện lúc buồn sầu nóng giận chửi bậy đâu tại cổ là spiritual leader hệ bình an. Dòm cổ là ta tròn mắt trời ơi người từ thiên đình xuống hay sao mà lúc nào cũng tươi xanh tràn đầy tình yêu thương nhơn loại. Cổ tin rằng người thực hành tâm linh là người luôn như thiên thần, cổ bỏ qua mấy phần người của cổ, mấy phần mà cổ thấy không hợp khi làm thiên thần. Có gì đâu mà tiếc nuối phần khó chịu đó (The saint bypass).

Là chú năm hay trích dẫn Kinh Phật, Kinh Thánh và các Guru, thuộc lòng “bát nhã”, “mặc khải”, “formless and identity” như ăn bánh mì chuyển ngữ của Đô rê mon. Khi chú gặp chuyện chi ngang trái hoặc cần quyết định sẽ lập tức tìm giảng nghĩa nó ứng với lời Người dẫn đường với tất cả lòng say mê và khoan khoái vì hầu như luôn tìm được câu trả lời. Mấy lời này đã được tồn tại qua thời gian, nhiều người theo, ắt là chí lý. Kiếp làm người vì vậy cũng khỏe hơn, có Guru tư duy dùm rồi, sống giản tiện rảnh rỗi đầu óc mỗi ngày thôi (Spirit guide bypass).

Là dì sáu giác ngộ hay nói câu “Tại chưa đủ duyên nên chưa hiểu” mỗi lần mình đem chuyện đời chuyện pháp ra thắc mắc. Dì sáu giác ngộ thuộc làu kinh điển, hít thở đều trân, tự nhận thẳng tính chân thành sau khi hục hặc khó chịu, chỉ ra người này không thực hành biết ơn trong khi mình đã giúp họ, chỉ ra người kia lé-vồ tâm linh còn kém phải tu thêm. Dì sáu chỉ người ta để làm phước chớ dì được lợi lộc gì đâu. Vậy là dì hay gây ra mấy vết thương cho người, nhân danh việc người ta chưa đủ lé-vồ và dì thì chỉ có ý tốt. Lúc đọc về khái niệm này, mình ngạc nhiên nhận ra lý do rằng người thiếu nhận thức bản thân thường lơ đi mấy nỗi đau của người khác vì cốt yếu đã lơ đi nỗi đau tương tự bên trong (Spiritual narcissism/The aggrandizement bypass).

Là bé bảy lúc nào cũng có vẻ thong dong bởi tin rằng “Vũ trụ đã định sẵn”, “This is it”, “Cái đang là là cái phải là”, “Vạn vật vô thường”… Bé hong thèm nhấc cái chổi lên quét nhà bởi bụi rồi cũng sẽ tràn vô, bé hong làm cái gì hết vì sự chi mà chả tới hồi kết thúc, tới lúc bé hong thèm sống nữa bởi bé quán triệt rồi bé cũng… qua đời. Khi người thân góp ý về chuyện sống trách nhiệm hơn thì bé bảo không tôn trọng đời sống của bé, năng lượng thấp hiểu sao được chuyện bé làm (the finger-pointing bypass).

Là em út mê mẩn các thể loại coi trắc nghiệm tìm hiểu bản thân, từ horoscopes, thần số học, tên Ai Cập, tử vi tướng số Kinh dịch vân tay Tarot… các kiểu. Tiện lắm, em hoang mang là có chỗ quay về ngay, dựa vào thấy cũng êm ái vì nó nói sao đúng quá. Hồi đó có lần mình cà khịa, đọc cho em bản kết quả của người khác mà em cũng đôm đốp vỗ đùi trời đất đúng với em dữ nè. Em sợ tự soi mình lắm tại em đâu có tin chính mình, mình là cái gì mà tin cơ chứ, cơ sở nào mà tin? Sâu xa nữa, em cũng sợ tự chịu trách nhiệm với đời mình (the Horoscope bypass).

Rồi có thể khi em có con, em sẽ là bà mẹ coi số cản ngăn việc gả chồng gả vợ cho nó dẫu tụi nó có yêu thương cỡ nào. Rồi có thể con em lớn lên muốn trao đổi với em một chuyện ngược với sự hiểu của em, em thành thím hai, đi tụng kinh cho qua thời đối diện.

Trường hợp cô Lan trong “Tắt lửa lòng” của Nguyễn Công Hoan (mà sau này ai cũng biết Lan và Điệp) cũng là một kiểu. Cổ đi tu vì không đối diện nổi với cảm xúc dữ dội của lòng mình, đổ thừa “trời định”, tưởng lấy kinh chuông khỏa được nước mắt, vô chùa vật lên vã xuống chôn hoa lan kế con bướm khô, rồi mười mấy năm sau cũng chia tay cuộc đời trong khi ba bì thư Điệp gởi còn phong kín và lòng chưa đối diện. Mấy chữ “đối diện” coi vậy mà khó quá chừng!

Thức tỉnh đúng là một lựa chọn, nhưng nó không đẹp như cách người ta thường nghĩ. Việc đối diện với chính mình nhiều đau đớn lắm, bởi mũi tên găm vào không đau bằng khi nghĩ về nó và khi rứt ra. Như Adyashanti chỉ ra trong “Sự thật về giác ngộ”, người thức tỉnh sẽ rơi vào trạng thái bơ vơ đáng sợ trước hết, bởi nhận ra những con đường mình đang đi đều tự dưng mất đi ý nghĩa vốn có, và mình không biết đang đi tới đâu. Đấy, cũng mệt mỏi hỗn loạn và đáng sợ chứ không phải hoa lá mọc lên chim chóc hót xung quanh như công chúa Disney đâu.

Mình tin rằng thấy mây ngũ sắc phóng lên từ trán hay nghe tiếng thiên thần hát bên tai chưa bao giờ là mục tiêu của thực tập tâm linh. Nếu mình thực hành tâm linh để được thấy mây và nghe hát, để tránh đối diện với Sự Thật, với các vấn đề và cảm xúc của mình thì đó là một loại “spiritual bypassing”.

Chúc bạn luôn dành thời gian dòm ngó chính mình 😃

Phiên Nghiên10.2021

(Bài viết chia sẻ ghi chép khi đọc về “spiritual bypassing”, không nhằm vào bất kỳ ai. Nếu có nhân vật nào cảm giác từa tựa thì đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Một vài nguồn đọc thú vị sẽ được để dưới đây. Hihi…)


Bài viết mang tính giản lược, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm xin mời đọc:

  • “Cutting Through Spiritual Materialism” –  Chögyam Trungpa 
  • “Spiritual Bypassing: When Spirituality Disconnects Us From What Really Matters” – Robert Augustus Masters

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

2 Comments

Bình luận về bài viết này