Bài đăng trên mạng xã hội của khu phố vỏn vẹn mấy câu: “Bán sách cũ – Tôi có một bộ sưu tập sách khổng lồ từ bố mẹ tôi. Bố là một nhà văn và biên tập viên, yêu thích mọi thứ, nên tôi có mọi thể loại sách có thể tưởng tượng được từ thơ ca, triết học, lịch sử, tiểu thuyết cổ điển, cách viết sách, nấu ăn, v.v…”
Mình đã lầy lội trong kho báu đó một buổi chiều. Hàng hàng dài sách cũ mới, có những quyển xuất bản từ những năm 1920, có những quyển sờn gáy nhưng vẫn không mất trang nào, có những quyển đầy ghi chú của ông cụ…
Người ta nói nhìn vào tủ sách của một người có thể biết phần nào cuộc đời và mối quan tâm của người ấy. Tủ sách của ông cụ phần lớn là thơ (rất nhiều thơ), từ điển, các vở kịch, sách nghiên cứu về viết… Mình kinh ngạc trước khối lượng đồ sộ những Shakespeare, James Joyce, Henry Miller, Will Durant, Ernest Hemingway, và còn ngạc nhiên hơn với số lượng sách về chiến tranh, tiếng Ý, và nước Nhật.
Cô con gái với ánh mắt buồn ra mở cửa cùng con chó trắng đen to bự cho mình vào nhà. Sự trầm mặc của chị làm mình ngại hỏi nhiều, chỉ cắm cúi coi từng cuốn sách trong túi lớn nhỏ. Mình cũng kịp Google tên ông cụ, ông vừa mất năm trước, thọ 85 tuổi.
Ông cụ là con trai duy nhất của một gia đình người Ý nhập cư vào Mỹ tại Ohio (ồ ra đó là lý do ông có nhiều sách tiếng Ý). Tuổi thơ ông sống trong một căn hộ nhỏ phía trên tiệm tạp hóa lớn của gia đình, nơi cha ông bán món xúc xích trứ danh (ồ, sách nấu ăn) và bà của ông thì bán đủ thứ linh tinh trên đời. Rồi ông tốt nghiệp ngành kỹ sư và đi lính, được huấn luyện như một “communications spy” (ồ sách chiến tranh). Trại lính của ông đóng tại Kyoto, Nhật Bản (ồ, sách Nhật và haiku có nhiều là vì vậy). Sau khi giải ngũ, ông chọn học tiếp ngành Ngôn ngữ Anh và bắt đầu làm việc như biên tập viên ở các tờ báo Mỹ (ồ, sách viết), rồi dọn về California… Và mình không ngạc nhiên khi toàn bộ tiền phúng viếng ông nguyện chuyển cho hội The Hemingway Society, vì ông có nhiều sách của Hemingway lắm.
Mình tần ngần và xúc động, thì ra cuộc đời một người có thể điểm qua tủ sách của họ kiểu như thế.
Lúc đưa chồng sách để gởi tiền cho chị, chị bảo mỗi cuốn lấy tượng trưng thôi, chị chỉ muốn có ai đó tiếp tục đọc và dùng những quyển sách mà bố mẹ chị đã để lại. Sách không ai mua thì chị tiếp tục dọn vào sau khi sơn xong nhà.
Mình chỉ nhặt những cuốn mình đang muốn đọc, và nuôi ý định rằng trong tương lai mình có thể chuyển nhượng nó cho ai đó khác, bằng một cách nào đó… Bởi không chỉ mình yêu thích tiếp nối sự tồn tại của quyển sách cũ mà khi được cầm trang giấy úa màu thời gian trên tay, mình như được cảm giao với người chủ trước theo một cách thật sống động, thật lạ lùng.
Phiên Nghiên
CA, 8.2021
💜