
1. Hôm qua (19/8) nước Mỹ (với dân số gấp 3 và diện tích gấp 30 lần VN) có số ca mắc mới gấp 15 lần VN (157.340 Mỹ vs 10.657 VN). Mình không muốn làm ai lo lắng thêm nên hãy tiếp nhận thông tin như thông tin để quán chiếu sâu sắc tình hình hiện tại. Hãy nhìn rộng hơn và hiểu tình hình trên phạm vi lớn hơn.
2. Tập đọc tin tức trong chánh niệm. Một số trang, group FB đang lợi dụng sự lo lắng sợ hãi bất ổn ở VN để trục lợi, dễ nhất là đăng tin giả để lôi kéo view, reach… rồi bán lại cho các nhãn hàng hoặc KOL. Nếu một ngày thức dậy thấy Group bạn tham gia bỗng đổi tên thành Group người hâm mộ gì đó, hãy report và rời khỏi. Nếu bạn đọc tin gì thấy xúc động quá, hoặc giật gân quá, hoặc có vẻ tin bí mật, hoặc ruột gan bạn có cảm giác chống cự… hãy ghi nhận cảm xúc của mình rồi bình tĩnh kiểm tra lại nguồn tin.
3. Tương tự, đây là thời điểm cho các nhóm mê tín khởi phát và hoạt động mạnh mẽ. Làm sao biết mình không lạc vào mê tín? Hãy nhìn vào sự thực tập phát triển của bản thân mà đặt câu hỏi, hãy đặt câu hỏi cho phần hướng dẫn của người chỉ dẫn, hãy đặt câu hỏi về sự thực tập của người chỉ dẫn, hãy tự tìm hiểu và phản biện những gì được nghe, hãy tự phản biện chính mình. Nếu thấy mình lỡ mê lầm thì cũng đừng tự trách, chỉ cần ngưng lại, ngồi xuống nhìn sâu bóc tách ra những giá trị mình theo đuổi, dẫu sai đường, thì mấy giá trị này vẫn ở đó để mình quẹo đường khác mà thực tập. Trong sự từng-mê có sự từng-tỉnh là vậy.
4. Không để tình hình kéo lê cuộc sống cá nhân. Nếu lúc trước mình phụ thuộc vào công việc để có thời gian biểu (8 giờ sáng ra khỏi nhà đi làm, ghé tiệm cafe, ghé quán quen cuối tuần…) thì nay xem như cơ hội thực tập sự tự giác, khả năng quản lý thời gian và sự linh động khi thử nghiệm một cuộc sống ra khỏi điều đã định. Đừng để hai chữ “lockdown” khóa lại mỗi ngày sống trong kiếp-người. Đây là bài học mới, hãy kiên nhẫn với mình.
5. Việc dành thời gian cho cá nhân xa lạ với rất nhiều người, phải tập nhìn thẳng vào sự khó chịu này. Nhiều bạn đang đối diện với câu hỏi lớn “Ý nghĩa cuộc đời mình?” giữa cuộc khủng hoảng, đừng bi quan theo cuộc khủng hoảng mà mạnh dạn bước vào tìm hiểu nó.
6. Vài điều nghe nói giờ được quán chiếu rõ hơn, ví dụ vô thường trong phận người. Phật dạy sự sống mong manh ở chỗ hít vào không thở ra thì chết, nay nó đúng ở cả biểu hiện bệnh này. Nói một cách khác, đây chính là cơ hội tốt vì nó bày ra tình hình rõ, mạnh, để người sống biết hướng về thực tập cá nhân dù đang trong hoàn cảnh nào. Mình có chia sẻ bài đọc 3 phương pháp thực tập để giữ nội tâm an bình tĩnh lặng của sư Bhikkhu Bodhi ở Nối một cây cầu (thực tập dựa trên đức tin hoặc thực tập chánh niệm và định tâm hoặc phương pháp tuệ quán).
7. Có những thứ đừng nên hóng, tốn thời gian sống, ví dụ như thứ làm mình khởi tâm tham, tức, giận. Hoặc nếu lỡ hóng và thấy cơn giận nổi lên, hãy xem đây là cơ hội học về cơn giận của chính mình. Tập hỏi vì sao mình giận, nó vi phạm vào giá trị sống nào của mình, từ đó quay về chỉnh sửa mình.
8. Cơ hội thực tập từ bi, trước nhất là với những người chia sẻ cùng không gian sống, rồi những người đang cùng sống trong giai đoạn này khắp nơi trên Trái Đất, rồi tới vạn vật muôn loài. Khi hiểu rằng ai cũng đang ở trong sự Khổ, ở trong thời khắc khó khăn thì mình mở lòng hơn, tránh so sánh trách móc giận dữ làm tổn hại vô ích thân thể, tinh thần của mình.
9. Mỗi người tự biết mình là một “cục năng lượng” có thể ảnh hưởng tới tình hình chung, từ đó học cách điều chỉnh và điều hướng dòng năng lượng của mình. Ví dụ dễ hiểu nhất là khi mình khó chịu, dù không nói tiếng nào nhưng sự khó chịu bao trùm trong không gian, từ nhát chổi quét nhà tới từng bước chân đi, người khác sẽ cảm nhận được ngay và “chiến tranh” có thể tới. Học cách hiểu mình, từ bi với mình để nâng đỡ mình, điều chỉnh “cục năng lượng” của mình, từ đó nâng đỡ người.
10. Nếu có người thân, người quen ra đi trong đợt dịch bệnh, hãy dành thời gian cầu nguyện cho nỗi đau họ đã chịu và cầu nguyện cho chuyến đi sắp tới. Thay vì dành quá nhiều thời gian trách móc cuộc sống, đau buồn thân phận, hãy ngồi thật yên, nhìn sâu vào cảm xúc và cả sự trống rỗng. Hãy tập bày tỏ lòng biết ơn sự hiện diện của họ cả thời gian từng sống lẫn trong cuộc ra đi, góp một gợn sóng vào làn sóng tỉnh thức lớn của toàn nhân loại. Nếu còn thức dậy với hơi thở vào-ra, hãy thở và tu tập cả phần của họ, như cách thiết thực bày tỏ lòng thương của mình.
Bên trên là tập hợp 10 ghi chú nhỏ trong quyển sổ “Dịch giã” của Phiên, nay chép ở đây mong được chia sẻ cùng bạn những nỗi khổ, niềm đau, niềm thương trong giai đoạn đặc biệt này.
Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc.
Phiên Nghiên
CA, 8.2021
